Hợp tác ngân hàng và FinTech là chìa khóa thúc đẩy tài chính toàn diện
(ĐCSVN) - Sự hợp tác giữa ngân hàng và FinTech đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, giúp mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng cho mọi tầng lớp dân cư. Đổi mới công nghệ, phát triển khung pháp lý và nâng cao hiểu biết tài chính là những giải pháp cấp thiết nhằm khắc phục các rào cản hiện tại và thúc đẩy ngành tài chính phát triển bền vững.
Hình ảnh tại sự kiện (Ảnh: HT) |
Tại sự kiện giới thiệu báo cáo “Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của FinTech trong phối hợp với tổ chức tín dụng” do Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY) phối hợp cùng các ngân hàng, các công ty Fintech tổ chức ngày 28/11 tại Hà Nội, các chuyên gia đã chỉ ra rằng tài chính toàn diện tại Việt Nam vẫn là một chặng đường dài với nhiều cơ hội và thách thức. Dù đạt vị trí thứ ba trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Thái Lan) và đứng thứ 14 thế giới theo Chỉ số Tài chính Toàn diện Toàn cầu 2024 của Principal Financial Group, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các vấn đề như thiếu cơ sở hạ tầng tài chính đồng bộ, bất bình đẳng trong tiếp cận tín dụng chính thống và những hạn chế về hiểu biết tài chính của người dân.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam nhận định rằng việc tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tín dụng truyền thống và các công ty FinTech, phát triển mô hình ngân hàng mở và nâng cao trình độ hiểu biết tài chính là những bước đi cấp thiết. Đồng thời, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố khung pháp lý, đặc biệt là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), để hỗ trợ đổi mới sáng tạo và quản lý rủi ro từ các công nghệ tài chính mới. Đây chính là nền tảng để đảm bảo rằng các lợi ích từ sự đổi mới tài chính có thể tiếp cận tới mọi tầng lớp dân cư.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay khoảng 87% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán, song tiến trình tài chính toàn diện vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản. Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy hơn 62% dân số sống ở khu vực nông thôn, nơi việc tiếp cận tín dụng chính thống còn nhiều khó khăn. Thêm vào đó, 42% người dân gặp khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng cho biết họ phải sử dụng các dịch vụ không chính thống như vay nóng, chơi hụi, dẫn đến chi phí cao và rủi ro tài chính lớn.
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cũng gặp khó khăn tương tự khi không đủ tài sản thế chấp hoặc không có hồ sơ tín dụng đầy đủ để tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Điều này cản trở khả năng mở rộng kinh doanh, đặc biệt tại các khu vực kinh tế còn hạn chế. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần MISA, chỉ ra rằng các ngân hàng truyền thống thường yêu cầu lịch sử tín dụng hoặc dòng tiền qua ngân hàng, những yếu tố mà nhiều MSME không đáp ứng được.
Trong bối cảnh này, FinTech nổi lên như một giải pháp tiềm năng để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính. Với cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, sản phẩm tài chính đa dạng và khả năng tận dụng dữ liệu lớn, các công ty FinTech đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính – ngân hàng, giúp nhiều nhóm yếu thế có thể tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví điện tử MoMo, nhận định rằng FinTech không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng và người dân mà còn mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ tài chính – ngân hàng tới những khu vực xa xôi. Những công nghệ mới như thanh toán không tiền mặt, ứng dụng di động, và dịch vụ ngân hàng số đã mang lại trải nghiệm liền mạch cho người dùng, giúp tài chính toàn diện trở thành hiện thực.
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), FinTech đã trở thành đối tác quan trọng trong việc cung cấp dữ liệu về hành vi thanh toán và mua sắm của khách hàng từ các nền tảng thương mại điện tử. Dữ liệu này giúp MB xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng chính xác hơn, từ đó đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp và rút ngắn thời gian phê duyệt khoản vay. Ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị MB, cho biết FinTech đã hỗ trợ ngân hàng xử lý các vấn đề như thiếu tài sản thế chấp, hồ sơ tín dụng không đầy đủ và quy trình thủ tục phức tạp – những rào cản lớn nhất đối với các MSME khi tiếp cận vốn vay.
Để thúc đẩy tài chính toàn diện, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao sự hợp tác giữa ngân hàng và FinTech. Điều này không chỉ giúp đơn giản hóa dịch vụ tài chính mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở rộng ngành tài chính – ngân hàng tại Việt Nam. Việc áp dụng các công nghệ mới nổi như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, và dữ liệu lớn cũng cần được hỗ trợ bởi khung pháp lý hoàn chỉnh, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, cần có sự tham gia tích cực từ phía các cơ quan quản lý để xây dựng và hoàn thiện cơ chế sandbox, cho phép FinTech thử nghiệm và tinh chỉnh các sản phẩm tài chính mới trong một môi trường được kiểm soát. Các tổ chức tín dụng cũng được khuyến nghị phát triển mô hình ngân hàng mở, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và hỗ trợ kết nối tốt hơn với các nhóm khách hàng chưa được phục vụ đầy đủ.
Sự hợp tác giữa ngân hàng và FinTech đang mở ra những cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy tài chính toàn diện, hướng tới một hệ thống tài chính hiện đại, minh bạch và công bằng. Với các giải pháp đổi mới sáng tạo và chính sách hỗ trợ phù hợp, tài chính toàn diện không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.