Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 3: Bước đầu vượt qua thách thức

Thứ Năm, 23/12/2021 11:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đại dịch COVID – 19 đã gây ra nhiều hệ quả xấu cho đất nước ta trong đó uy hiếp nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người và ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế, xã hội. Bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, vào cuộc của cả hệ thống chính trị bước đầu vượt qua thách thức chiến thắng đại dịch.

 
 
 

(ĐCSVN) – Đại dịch COVID – 19 đã gây ra nhiều hệ quả xấu cho đất nước ta trong đó uy hiếp nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người và ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế, xã hội. Bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, vào cuộc của cả hệ thống chính trị bước đầu vượt qua thách thức chiến thắng đại dịch.

 

Việc chủ trương của Đảng và Nhà nước ta lấy xã, phường, thị trấn pháo đài (thôn/bản, khu/tổ dân phố) và doanh nghiệp là “pháo đài” phòng chống dịch; mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch COVID-19 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với hệ thống chính trị và mô hình quản trị ở Việt Nam. Vì xã, phường,thị trấn…là nơi cứ trú sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất và là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nói đến xã, phường, thị trấn là “pháo đài” chống dịch thực chất nhằm khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của địa bàn cơ sở; đồng thời đề cao vị trí, tầm và mức độ ảnh hưởng của đội ngũ cán bộ cơ sở đối với sự thành bại của nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch nhằm nhấn mạnh vị trí, vai trò có ý nghĩa quyết định của mọi người dân trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19. Với phương châm không ai đứng ngoài cuộc chiến cam go, nguy hiểm này. Phát huy sức mạnh của nhân dân đồng tình, ủng hộ và chủ động, tích cực, tự giác tham gia phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ nhằm phát huy sức mạnh tổng lực để sớm khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, mà còn góp phần khơi dậy, phát huy sức mạnh ý chí niềm tin, nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn của nhân dân trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình đặc biệt nguy hiểm này. Phù hợp với việc cấp ủy, chính quyền tổ chức lãnh đạo, chỉ huy xây dựng các phương án, kế hoạch “tác chiến” chống dịch một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm dân cư, địa lý, kinh tế, xã hội, phong tục văn hóa và tình hình dịch tễ ở địa phương; đồng thời biết bố trí, sử dụng các lực lượng, đội hình chống dịch một cách hợp lý; gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân trên từng vị trí công tác. Đây là cơ sở để phát huy sức chiến đấu tại chỗ để sớm khống chế, kiểm soát, đẩy lùi, chiến thắng được dịch bệnh COVID-19, đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Đây chính là cụ thể hóa cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

 Thủ tướng hỏi thăm tình hình, động viên, chia sẻ với thành viên tổ COVID-19 cộng đồng đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội 

Nhấn mạnh vấn đề phòng chống dịch, trước việc cử tri phản ánh “pháo đài” mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khi nói mỗi xã, phường là một pháo đài, nghĩa là chúng ta đề cao vai trò của cấp cơ sở trong cuộc chiến dịch COVID-19, chứ không phải hiểu pháo đài là biệt lập rồi ngăn sông, cấm chợ “Nhận thức không đúng, mỗi nơi làm một kiểu thì làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, làm đứt gãy các hoạt động kinh tế, giao thông đi lại”, Chủ tịch nước lưu ý.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID -19 tích cực chủ động không quản ngày đêm chỉ đạo, đôn đốc nhắc nhở, kiểm tra các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường các biện pháp kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân thực hiện giãn cách theo Chỉ thị của Chính phủ (15,16,19) không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã, phường, thị trấn với xã, phường, thị trấn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Huy động lực lượng vũ trang, y tế, đoàn viên… tham gia các chốt kiểm soát người và phương tiện giao thông đường bộ tại các cửa ngõ ra vào địa bàn, biên giới cũng như tham gia các hoạt động trong công tác phòng, chống dịch COVID.

Đối với các doanh nghiệp khuyến khích thực hiện phương án “3 tại chỗ’ và “một cung đường hai điểm đến”, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp đều có phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị mình. Tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng công nhân, người lao động tại Khu Công nghiệp.

Bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tổ chức xét nghiệm thần tốc, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế để nhanh chóng phát hiện và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, làm sạch cộng đồng; tổ chức tiêm vắc xin khoa học, an toàn, hiệu quả, bảo đảm phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Xã phường là "pháo đài" chống dịch là nhằm khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của địa bàn cơ sở; đồng thời đề cao vị trí, tầm mức ảnh hưởng của đội ngũ cán bộ cơ sở đối với sự thành bại của nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô

Theo đó, các Sở Y tế ở các địa phương khẩn trương có giải pháp để hỗ trợ cho các trạm y tế tuyến xã trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chăm sóc kịp thời cho người dân khi đến khám bệnh tại trạm y tế xã. Sở Y tế chỉ đạo các trạm y tế xã phải hết sức kỹ lưỡng, chặt chẽ, chu đáo, tỉ mỉ, vì tất cả những người bệnh đến trạm y tế đều có thể là F0 để có tinh thần chuẩn bị; tổ chức tiếp nhận, phân luồng, có phòng đệm, test nhanh các trường hợp nghi ngờ… Chống lây nhiễm chéo trong lực lượng làm nhiệm vụ. Tổ chức tập huấn cho y tế ấp, tổ COVID-19 cộng đồng về công tác test nhanh.

Bên cạnh đó, bảo đảm an sinh xã hội, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân tại địa bàn xã, phường, thị trấn. Địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sát với thực tế; làm tốt công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tại cơ quan đơn vị, từ trung ương đến địa phương cấp ủy phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa phát triển kinh tế ở từng ấp. Làm hết trách nhiệm của mình cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, giữ vững địa bàn. Xây dựng xã, phường, thị trấn là “pháo đài” vững chắc để phòng, chống dịch. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, kêu gọi nhân dân phòng, chống dịch với tinh thần mỗi người dân là một “chiến sĩ”, là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Từ đó, mọi chính sách và việc thực hiện chính sách đều hướng đến người dân. Thực hiện tốt mối quan hệ cấp ủy lãnh đạo, chính quyền quản lý, người dân làm chủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường giám sát, kiểm tra trong phòng, chống dịch.

Tăng cường tuyên truyền, vận động đến người dân để nhân dân tham gia công tác phòng, chống dịch; giám sát các đối tượng từ bên ngoài về địa bàn. Đảm bảo các điều kiện thiết yếu, vận động hỗ trợ các bữa ăn cho lực lượng trực tại chốt kiểm soát để các lực lượng yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Vận động hỗ trợ cho các hộ khó khăn trên địa bàn, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm. Ban chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn cam kết với ban chỉ đạo quận huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, với tinh thần quyết tâm bảo vệ vững chắc “pháo đài”.

Song song đó, người dân thì tích cực tham gia cùng hệ thống chính trị nhằm góp phần phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân, các tầng lớp nhân dân, các giới tùy khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, tạo thành sức mạnh tổng hợp…

Với tinh thần của Ban chỉ đạo, các địa phương luôn chủ động, cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch theo phương châm phải hết sức kỹ lưỡng, chặt chẽ, chu đáo, tỉ mỉ; cương quyết, thần tốc, quyết liệt. Nắm vững phương châm cách ly, khoanh vùng, giãn cách xã hội. Xây dựng kế hoạch, có giải pháp quyết liệt để bảo vệ vững chắc “pháo đài”, bảo vệ địa bàn. Nếu các “pháo đài” vững chắc thì huyện, tỉnh vững chắc. Quan tâm đời sống người dân. Tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Bất kể là ngày hay đêm, các chiến sỹ vẫn sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu

đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân - Ảnh: CPV

Qua cuộc chiến phòng, chống dịch, xuất hiện nhiều gương những chiến sĩ thầm lặng hy sinh vì sức khỏe cộng đồng, vì cuộc sống con người và đất nước càng sáng tỏ. Cuộc chiến ấy cũng là thử thách cao nhất với tài thao lược, dũng khí, đức độ, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu và mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân.

 
 

Trong đại dịch, giữa lằn ranh sống chết mong manh, Đảng, Chính phủ, cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân đang kiên cường chiến đấu với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” đạt được những thành quả quan trọng để bước vào trạng thái “bình thường mới” khôi phục và phát triển kinh tế.

Nhưng đó đây vẫn còn không ít cấp ủy, người đứng đầu cơ sở bị đình chỉ công tác, vì lơ là, yếu kém, thậm chí bị kỷ luật, miễn nhiệm chức vụ do vi phạm quy định phòng chống dịch, có biểu hiện quan liêu, xa dân, chủ quan, lúng túng, thiếu nhất quán trong tư duy, biện pháp, công tác. Một số người đứng đầu tại địa phương chưa bao quát công việc, quyết tâm chưa cao, nỗ lực chưa lớn, hành động chưa quyết liệt, hiệu quả... Một bộ phận nhân dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác lúc chưa có dịch bệnh và khi dịch đi qua; mất bản lĩnh, lúng túng, hoảng hốt khi có dịch, đưa ra biện pháp không phù hợp, thiếu hiệu quả, thậm chí cực đoan.

Vẫn có kẻ thừa cơ lợi dụng công tác phòng chống dịch bệnh để trục lợi, thổi giá thiết bị y tế bị phát hiện truy tố trước pháp luật. Tình trạng một số cán bộ, đảng viên và người dân chia sẻ thông tin sai trái, bịa đặt, găm hàng, tăng giá hàng hóa, lương thực, thực phẩm… vẫn diễn ra.

Cuộc chiến cũng bộc lộ những nhận thức, năng lực yếu kém và cả vi phạm của một số lãnh đạo và cán bộ đảng viên ở ngành này, nơi kia và cơ sở; như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra “ứng phó với dịch bệnh cũng là một thử thách để đánh giá cán bộ”.

Vẫn còn hiện tượng phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn nhiều khâu trung gian, nhiều thủ tục, trách nhiệm không rõ ràng, gây ách tắc công việc, làm giảm hiệu quả điều hành, quản lý. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền để phát huy chủ động, sáng tạo của các cấp.

Việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách còn lúng túng, chưa quyết liệt. Các Nghị quyết của Chính phủ đã nêu rõ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, pháp luật và rà soát, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, nhưng việc này thực hiện còn chậm.

Chưa huy động các nguồn lực trong nhân dân, trong xã hội, trong doanh nghiệp một cách có hiệu quả. Thời gian tới, để phát triển các hạ tầng chiến lược, phải đẩy mạnh hợp tác công tư, tổng kết, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, nhân rộng các mô hình hay để làm tốt hơn trên cơ sở kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lợi ích của nhà nước, của nhân dân và của nhà đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, từ các nguyên nhân nói trên, mỗi cấp, mỗi ngành, lãnh đạo các địa phương phải nhìn thẳng vào sự thật, khiêm tốn, cầu thị lắng nghe, học hỏi, suy nghĩ để rút kinh nghiệm, tự soi, tự sửa, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình luôn diễn biến rất nhanh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân và trách nhiệm được cấp trên giao phó.

Một số ví dụ minh họa cho những yếu kém và hạn chế sau:

Sáng 13/9, Thủ tướng Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) chủ trì họp trực tuyến với hơn 300 xã, phường, thị trấn của 2 tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang. Trong khi các địa phương khác đang dần kiểm soát dịch, 2 tỉnh này được đánh giá dịch đang diễn biến phức tạp khi có thêm nhiều vùng cam, vùng đỏ.

Sau khi nghe 2 địa phương báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp đặt nhiều câu hỏi kiểm tra việc nắm bắt tình hình của lãnh đạo các cấp 2 tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang.

Đặc biệt, khi kiểm tra tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Ngày hôm qua trong cộng đồng các anh xét nghiệm ra bao nhiêu ca? Phải rất cụ thể, cứ lơ ma lơ mơ làm sao chỉ huy được?”.

Lãnh đạo tỉnh sau một hồi ấp úng trả lời: “Hôm qua tổng số có 154 ca F0”, nhưng khi Thủ tướng hỏi “Ở đâu?”, vị lãnh đạo liên tục lật tìm báo cáo và một lần nữa ấp úng: “Báo cáo Thủ tướng không nhớ nổi”.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại đã nhiều lần gọi điện cho lãnh đạo tỉnh và nói phải kiểm soát hàng ngày, để xem số trong cộng đồng tăng hay giảm, và hiện nay xét nghiệm đã theo đúng hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế chưa. “Chuyện này rất quan trọng. Tỉnh anh từ chỗ xanh rờn đến đỏ quạch”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Những câu trả lời bị động, chưa nắm chắc tình hình của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang và một số xã phường khiến Thủ tướng rất sốt ruột.

 

Thủ tướng đánh giá chỉ kiểm tra nhanh đã thấy công tác phòng chống dịch ở các địa phương này bộc lộ nhiều điểm yếu, sự lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tốc độ xét nghiệm còn chậm hơn tốc độ lây nhiễm. Một số nơi lỏng lẻo trong quản lý người về từ vùng dịch, một số nơi chưa triển khai trạm y tế lưu động xuống xã phường làm quá tải lên tuyến trên, gây tử vong.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cho rằng các mục tiêu, giải pháp trong báo cáo cũng chung chung, không rõ ràng, ví dụ đặt ra mục tiêu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nhưng không đưa ra thời điểm cụ thể trong báo cáo sẽ giãn cách đến bao giờ.

Trước Quốc hội trong báo cáo về kinh tế - xã hội Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhấn mạnh: “Năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở, còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao trong giai đoạn đầu”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng thừa nhận tình trạng nhiều địa phương không cấp đủ 10 - 20 triệu đồng cho các trạm y tế theo quy định. Với sự đầu tư như vậy, thật khó tránh tình trạng chỉ chưa tới một nửa số trạm y tế hiện có đáp ứng được 80% các dịch vụ y tế cơ bản của tuyến xã.

Bài học từ đại dịch đối với hệ thống y tế không phải là điều khó nhận thấy, song hoàn thiện hay nâng cao năng lực y tế cơ sở, theo người đứng đầu ngành y tế, vẫn là câu chuyện của tương lai.

Ngày 11.10.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128, chuyển đổi mục tiêu chống dịch từ “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”. Đây là sự chuyển đổi chiến lược, tư duy chống dịch.

Tuy nhiên, nhiều ngày sau khi Nghị quyết 128 được ban hành, với nỗi sợ hãi bùng dịch, nhiều tỉnh “ngồi im” nghe ngóng các tỉnh khác. Trong khi đó, nhiều tỉnh tiếp tục tìm mọi cách để ngăn chặn dịch bệnh “vào” địa phương mình khi tỉnh khác mở cửa. Dù Chính phủ đã chỉ đạo, vẫn có địa phương tiếp tục đưa ra các loại giấy đi đường,“cấm chợ ngăn sông” hay yêu cầu xét nghiệm gây phiền hà cho người dân, làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Điển hình là câu chuyện tiêu cực trong cấp thẻ “luồng xanh” trái phép, ngày 27/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Thị Thanh Nga (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bước đầu, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội xác định Nga đã duyệt, cấp hơn 1.700 hồ sơ xe ô tô, nhận hơn 220 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản. Còn các đối tượng môi giới thu tiền của chủ phương tiện từ 800 đến 1 triệu đồng /1 xe.

Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của tình hình dịch COVID-19, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm COVID-19 một loạt các sai phạm tại cơ sở y tế

tại các địa phương trong cả nước, ngành y tế có số cán bộ bị kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam. Điển hình là vụ vi phạm quy định về sản xuất, đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại bệnh viện Tim Hà Nội, Viện mắt TP.HCM, Sở Y tế Cần Thơ, dược phẩm Cửu Long... Mới nhất là hai cán bộ CDC Hải Dương liên quan đến đường dây thổi giá kit test COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử.

Bên cạnh đó còn là sự lúng túng, bị động của nhiều địa phương, với không ít câu chuyện đáng suy ngẫm về tư duy cán bộ và quản lý nhà nước tại nhiều địa phương. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, “đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi nhưng đến đại dịch mới bộc lộ”

Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nhiều nơi hiểu sai chủ trương “mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài chống dịch”. Lẽ ra phải lấy đơn vị xã, phường, thị trấn làm nơi tổ chức công việc cho chống dịch, thì nhiều nơi lại hiểu pháo đài này như cái lô cốt để bao vây lại. Dù Thủ tướng cho rằng cũng có lý do là “lo sức khỏe của người dân quá” để châm chước, song tư duy của boong-ke, lô cốt, “hàng rào dây kẽm gai” của nhiều cán bộ vẫn là vấn đề đáng lo ngại cho tới tận những ngày này.

Tình trạng thực thi công vụ rập khuôn máy móc như trên còn khá phổ biến trong thực thi công vụ thường ngày với thói quen hành xử của nhiều cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước, cứ vin vào các quy định để xử lý, không cần biết có phù hợp thực tế hay không. Đó là căn bệnh kinh niên làm cho nhiều cán bộ trở nên vô cảm, sợ trách nhiệm, không dám chủ động sáng tạo ra các quyết định đáp ứng các yêu cầu tức thời của thực tiễn.

Bài 1: Khát vọng Việt Nam Hồ Chí Minh

Bài 2: Thách thức khát vọng và quyết định lịch sử

Bài 3: Bước đầu vượt qua thách thức

Bài 4: Nêu gương cấp ủy, người đứng đầu

Bài 5: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Nội dung: Nguyễn Minh 

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN