Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

(ĐCSVN) - Công tác phát triển đảng viên trong học sinh THPT tại Hà Nội thời gian qua đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần kết nối và chuyển giao thế hệ trong Đảng. Tuy nhiên, so với tổng số lượng học sinh THPT thì tỷ lệ phát triển đảng viên còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng của các trường THPT trên địa bàn Thủ đô.

Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Triệu Thị Ngọc, thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU ngày 24/10/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới”, thời gian qua, các cấp ủy đảng trực thuộc và các đơn vị liên quan đã nghiêm túc triển khai thực hiện, đạt kết quả bước đầu quan trọng. Những đảng viên được kết nạp trong các trường học đã phát huy được tính tiền phong, gương mẫu, tham gia các phong trào thi đua do trường phát động. Thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, có nhiều thành tích nổi trội khi tham gia học tập, rèn luyện, phấn đấu ở môi trường mới, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đảng viên luôn cống hiến và trưởng thành về mọi mặt.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội cũng như các quận, huyện và các trường trên địa bàn thành phố, sau gần 2 năm thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa dành sự quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để làm tốt công tác bồi dưỡng quần chúng ưu tú, tạo nguồn kết nạp đảng trong học sinh THPT, chưa thực sự coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nên chưa có các giải pháp cụ thể, phù hợp.

Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời rà soát nguồn quần chúng ưu tú có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bồi dưỡng xem xét kết nạp vào Đảng, còn làm theo hình thức, thụ động. Điều này dẫn đến tỷ lệ phát triển đảng viên là học sinh THPT còn thấp so với nguồn bồi dưỡng giới thiệu kết nạp đảng và chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng của các trường THPT tại Hà Nội.

Từ thực tiễn ở địa phương, đồng chí Ngô Văn Giang, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ứng Hòa thừa nhận, trên địa bàn huyện, việc thực hiện chỉ tiêu hằng năm còn hạn chế do một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên. Một số chi bộ nông thôn gặp khó khăn trong công tác tạo nguồn để giới thiệu kết nạp... nên ảnh hưởng đến số lượng kết nạp.

Chưa hết, nội dung, kế hoạch mở lớp bồi dưỡng kết nạp đảng ở một số cấp ủy chưa phù hợp với nhóm đối tượng học sinh THPT; còn dàn trải, chất lượng chưa cao. Việc phát động các phong trào thi đua tại một số trường học chưa thực sự hiệu quả, thiếu sân chơi, môi trường cho học sinh tu dưỡng, rèn luyện và thể hiện năng lực nên gặp khó khăn trong công tác phát hiện nguồn bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu kết nạp học sinh THPT vào Đảng theo Đề án số 20-ĐA/TU do Thành ủy Hà Nội tổ chức, một số đồng chí tham dự Hội nghị đã nêu ra, việc phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ đối tượng cảm tình Đảng của một số tổ chức đảng chưa cụ thể, rõ ràng, còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đảng viên được phân công theo dõi, giúp đỡ quần chúng cũng chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm, năng lực, chưa thực sự gắn bó với học sinh và sự am hiểu về công tác đảng còn hạn chế. Một số đồng chí còn ngại tiếp xúc để nắm bắt tâm tư, định hướng, giúp đỡ quần chúng; việc thẩm tra, xác minh lý lịch gặp khó khăn về thời gian; việc lập hồ sơ đề nghị kết nạp đảng viên còn có sai sót.

Đáng chú ý, một số cấp ủy, tổ chức đảng, giáo viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh chưa có nhận đúng đắn về tầm quan trọng của việc phát triển đảng đối với học sinh nên chưa quan tâm, tạo điều kiện, tuyên truyền, vận động các em vào Đảng. Ngược lại, một số tổ chức đảng trong nhà trường thì lại tuyệt đối hóa về tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện khắt khe hoặc áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện ở một số trường chuyên vào trường không chuyên không phù hợp với đặc thù của nhà trường đã làm hạn chế cơ hội của các em học sinh THPT đứng trong hàng ngũ của Đảng. Một số cán bộ, giáo viên các trường THPT có suy nghĩ về học sinh tuổi còn quá trẻ, nhận thức chính trị chưa đủ vững vàng, lý tưởng chưa rõ ràng để kết nạp vào Đảng.

Ngoài những khó khăn nêu trên, một số ý kiến cho rằng, sinh hoạt Đoàn thanh niên tại các trường THPT hiện nay có những thời điểm chưa phong phú, đa dạng, thiếu tính hấp dẫn nên chưa thực sự thu hút học sinh tham gia. Một số tổ chức Đoàn ở các trường THPT chưa chủ động trong việc tham mưu với cấp ủy nhà trường, chưa đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, chưa tạo được nhiều phong trào nhằm thu hút học sinh tham gia để phát hiện, tạo nguồn, giới thiệu đoàn viên ưu tú là học sinh, sinh viên cho tổ chức đảng...

Rồi công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng, cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội trong đoàn viên, thanh niên có lúc còn chưa kịp thời và hiệu quả; trong khi một bộ phận học sinh có biểu hiện “khô Đoàn, nhạt Đảng” như: Ngại sinh hoạt Đoàn, ngại rèn luyện; có lối sống thực dụng, ít quan tâm đến tình hình đất nước…

Đồng chí Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và đồng chí Ngô Mạnh Điềm, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Long Biên trao Quyết định kết nạp Đảng cho các đảng viên là học sinh THPT trên địa bàn quận Long Biên tại Khu di tích lịch sử K9 - Đá Chông (huyện Ba Vì). 

Đó còn là hiệu quả hoạt động của một số tổ chức đảng trong trường học chưa cao. Việc sinh hoạt Đảng của học sinh tại các chi bộ nhà trường nhiều nơi chưa được quan tâm. Nhiều nội dung sinh hoạt chi bộ ngoài nhiệm vụ học tập của học sinh, nên có những bất cập nhất định, không thu hút được sự quan tâm của học sinh…

Qua ý kiến của lãnh đạo nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, tuy số lượng học sinh THPT tại Hà Nội được kết nạp Đảng ngày càng tăng nhưng tỷ lệ vẫn còn quá thấp, trong khi dư địa và tiềm năng rất lớn. Số lượng học sinh THPT được kết nạp vào Đảng còn khiêm tốn mà rào cản lớn nhất chính là độ tuổi kết nạp Đảng.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu kết nạp học sinh THPT vào Đảng theo Đề án số 20-ĐA/TU do Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo các quận, huyện và các trường đều cho rằng, khó khăn trong thực hiện phát triển đảng viên là học sinh THPT trên địa bàn Thành phố hiện nay do nguồn quần chúng là học sinh để xem xét kết nạp đông nhưng số đủ điều kiện, tiêu chuẩn về độ tuổi chiếm tỷ lệ thấp do sự ràng buộc “cứng” về độ tuổi xét kết nạp vào Đảng. 

Theo quy định “tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng)”. Do đó một số học sinh có thành tích học tập và hoạt động phong trào tốt, có nguyện vọng vào Đảng nhưng không đủ điều kiện về tuổi ở trong trường, nhất là với những bạn sinh tháng 4, 5 mà hồ sơ chậm khoảng 2-3 tháng thì cơ hội để được kết nạp trong trường học đúng thời gian mong muốn sẽ bị tuột mất. Mặt khác, các học sinh có tháng sinh từ tháng 6 đến cuối năm sẽ bị thiệt thòi trong việc xét kết nạp Đảng so với học sinh sinh từ tháng 1 đến cuối tháng 5. Đây cũng là áp lực rất lớn cho Đảng ủy các nhà trường, trong khi các thầy cô trong Đảng ủy cũng chỉ hoạt động kiêm nhiệm.

Trao đổi với nhiều thầy, cô giáo dạy THPT, đặc biệt là các đồng chí bí thư, cấp ủy một số trường, chúng tôi đều nhận được những nguyên nhân khách quan, chủ quan tương đồng như nêu trên. Đáng chú ý, khi được hỏi về việc kết nạp đảng viên từ nguồn học sinh có khó không? Nhiều giáo viên THPT nhận định “khó chứ”, nhưng khi bắt tay vào làm với sự tâm huyết, trách nhiệm thì không thấy khó nữa. Khó khăn nhất trong việc kết nạp đảng viên từ nguồn học sinh đó là vấn đề độ tuổi.

Bên cạnh đó, một số nơi tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng trùng vào các ngày học của các em học sinh; học cùng với các đối tượng kết nạp Đảng khác nên cũng ảnh hưởng, có khó khăn đối với học sinh các trường THPT. Có nơi mở lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho học sinh muộn, vào cuối học kỳ 1 của lớp 12 nên ảnh hưởng đến thời gian hoàn thiện hồ sơ, xem xét kết nạp Đảng.

Đó còn là công tác tuyên truyền đối với phụ huynh, học sinh về mục đích, động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn của học sinh còn chưa thường xuyên, tích cực, nhất là việc vận động, thuyết phục tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Trong khi tâm lý của nhiều phụ huynh chưa muốn con tham gia vào nhiều hoạt động của nhà trường cũng như dành thời gian đi học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng để tập trung cho việc học tập thi cuối cấp, trọng tâm là thi đỗ vào các trường đại học, đi du học nước ngoài…

Nhà giáo Trần Thùy Dương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chia sẻ, khó khăn lớn nhất là làm công tác tư tưởng với học sinh và cha mẹ học sinh. Nhiều học sinh của trường chỉ nghĩ đến con đường du học; cho rằng, đó là con đường duy nhất để phát triển tương lai. Vì thế, để phân tích cho học sinh và gia đình hiểu, các thầy cô trong Đoàn trường, trong Đảng ủy, Ban giám hiệu tìm gặp và trao đổi với những học sinh tiềm năng, giúp các em hiểu, tham gia lớp học cảm tình Đảng và câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”.

Mặt khác, tính liên tục trong quá trình chuyển tiếp quần chúng ưu tú trong diện cảm tình Đảng tại các trường về địa phương và các trường đại học, cao đẳng còn nhiều bất cập. Do cần có thời gian theo dõi, bồi dưỡng, nên việc công nhận cảm tình Đảng và tiến hành thủ tục kết nạp vào Đảng của học sinh được thực hiện vào năm lớp 12. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, sau khi hoàn tất hồ sơ, thủ tục kết nạp, học sinh đã tốt nghiệp và ra trường, không kịp thời gian để được xem xét, quyết định kết nạp tại trường. Trong quá trình chuyển hồ sơ Đảng về địa phương hoặc tổ chức đảng ở cơ sở giáo dục bậc cao hơn để tiếp tục theo dõi, nhiều học sinh gặp vướng mắc trong khâu tiếp nhận; vì thế, làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như động lực phấn đấu của quần chúng.

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, các học sinh THPT đang trong giai đoạn phát triển và hình thành tính cách nên dễ thay đổi tâm, sinh lý. Trong khi đó, một bộ phận học sinh, sinh viên trong trường học dù được bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng chính trị, nhưng độ tuổi các em học sinh THPT còn quá trẻ nên việc nhận thức sâu sắc về Đảng còn hạn chế, chưa giác ngộ mục tiêu, lý tưởng, động cơ phấn đấu vào Đảng. Nhưng đó không phải là tất cả. Do đó, các cấp ủy đảng cần có sự quyết tâm thực hiện thì mới đạt kết quả tốt.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Tây Hồ Trần Lan Hương, cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức về công tác phát triển đảng viên là học sinh. Theo đó, khắc phục tư tưởng tuổi 18 còn quá trẻ, nhận thức chính trị chưa đủ vững vàng, lý tưởng chưa rõ ràng để kết nạp vào Đảng. Bởi nhìn nhận thực tiễn cách mạng của Việt Nam, nhiều đảng viên được kết nạp trong độ tuổi 18, tuy nhiên đến nay các đồng chí vẫn rất trung kiên với Đảng, trên các cương vị công tác, vẫn phát huy vai trò, năng lực, sự gương mẫu của người đảng viên.

Thực tiễn cho thấy, công tác phát triển đảng viên trong học sinh có hiệu quả thiết thực cả trước mắt và ý nghĩa chiến lược, lâu dài, đặc biệt là tạo nền móng, xây dựng lý tưởng, niềm tin để đảng viên trẻ rèn luyện, phấn đấu trong học tập, cống hiến; đồng thời giải được tình trạng khan nguồn, "nhạt Đảng, khô Đoàn” ở cơ sở. Đây là việc không dễ nhưng chắc chắn vẫn làm được. Điều quan trọng là đòi hỏi phải có sự nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, tổ chức Đảng địa phương, đơn vị trường học trong hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các bậc cha mẹ và sự nỗ lực của chính các em học sinh./.

Nhóm PV
04/10/2024 17:30
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN