(ĐCSVN) - Lao động phi chính thức tồn tại như một tất yếu khách quan, là bệ đỡ của thị trường lao động khi nền kinh tế gặp khủng hoảng. Tuy nhiên muốn có một nền kinh tế phát triển và bền vững không thể dựa vào thị trường lao động với tỷ lệ phi chính thức cao. Chính vì vậy, Việt Nam và các quốc gia khác đã và đang tìm cách để giảm thiểu tỷ lệ này.
Hầu hết lao động phi chính thức (97,8%) không có bảo hiểm xã hội (BHXH); chỉ có 0,1% được đóng BHXH bắt buộc và 2,1% BHXH tự nguyện. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản.
Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, cần “chính thức hóa” lao động phi chính thức bằng biện pháp tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ mà không cần phải chuyển vào khu vực kinh tế chính thức.
Hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội, dẫn đến tình trạng "lọt lưới" an sinh. |
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Cầm, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 có nhiều điểm mới để tăng độ bao phủ BHXH tự nguyện. Cụ thể, luật đã bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, thay vì chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất như luật hiện hành.
Luật mới cũng gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia BHXH thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (những người 45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia, trong nhiều trường hợp là phụ nữ) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.
“Những chính sách này sẽ tạo sức hấp dẫn với lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là chị em phụ nữ. Khi luật có hiệu lực sẽ tạo được “cú hích” khuyến khích người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện” – bà Nguyễn Thanh Cầm chia sẻ.
Tuy nhiên, để thu hút lao động phi chính thức tham gia, theo bà, cần tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân tham gia bằng các nội dung, thông điệp truyền thông thể hiện rõ ý nghĩa, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Hoạt động này góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về các chính sách bảo hiểm, giúp người dân hiểu thêm về giá trị an sinh, nhân văn của chính sách.
Trong khi đó, TS.Phạm Đình Thành, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng, phải tăng cường vai trò của hệ thống chính trị, nhất là ở cấp xã, phường và sự phối hợp của ngành BHXH Việt Nam trong việc phát triển số lao động phi chính thức tham gia BHXH. Nghị định số 33/2023/NĐ/CP quy định “Công chức Văn hóa - Xã hội xã... tham mưu giúp UBND cấp xã trong công tác BHXH, BHYT, an toàn vệ sinh lao động; xây dựng tiêu chí phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm…”- đây là cơ sở pháp lý để triển khai vận động, phát triển BHXH tự nguyện ngay từ gốc, từ cơ sở.
Bên cạnh đó, người lao động luôn sống gắn bó với gia đình trên địa bàn dân cư, nên việc vận động họ tham gia BHXH phải bắt đầu từ gia đình họ. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần phối hợp với BHXH Việt Nam ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho cán bộ chuyên trách và không chuyên trách cấp xã, phường, trong đó chú trọng hướng dẫn tham gia BHXH tự nguyện.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2024 bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm tự nguyện, tăng sức hấp dẫn để thu hút người lao động phi chính thức tham gia. |
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận, mặc dù lao động trong khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ cao nhưng pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng này.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, sửa đổi Luật Việc làm lần này cần bổ sung các quy định mang tính khung, định hướng làm cơ sở thúc đẩy việc làm theo hướng bền vững đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm chuyển đổi việc làm hoặc có việc làm theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung vào một số quy định về lao động, việc làm như: hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ KNN quốc gia; hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của pháp luật về BHXH; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm.
Mặc dù lao động trong khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ cao nhưng pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng này. |
Ngay tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, trình dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, sau Bộ luật Lao động thì Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm là hai luật nòng cốt làm xương sống cho việc phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập.
Một trong những yêu cầu quan trọng sửa đổi lần này, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là "làm sao phải “quét” được cả hai đối tượng, cả người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động".
"Vấn đề này rất khó, hiện nay chưa thiết kế được chính sách đối với người chưa có quan hệ lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. Đồng thời phân tích, vấn đề việc làm hiện nay rất khác khi một người có thể ký hợp đồng, có quan hệ lao động với nhiều tổ chức, nhiều đối tượng khác nhau.
Bộ trưởng cũng nhận định, tính chất việc làm hiện nay có sự thay đổi lớn. Trước đây, một người có thể làm bền vững, suốt đời ở một cơ quan, còn bây giờ vừa ký hợp đồng lao động với một đơn vị nhưng tháng sau đã có thể nhảy sang nơi việc khác, chỉ vì lý do đơn giản.
"Nói cách khác, chưa bao giờ tình trạng người nhảy việc nhiều như hiện nay, nhân lực thay đổi liên tục ngay trong một cơ sở, một tập đoàn, một đơn vị", Bộ trưởng nêu rõ.
Để thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số điểm mới: Quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm theo hướng tạo cơ hội tiếp cận cho mọi lao động có nhu cầu; Quy định chính sách hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động; Quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù.
Theo đánh giá, các chính sách này sẽ tạo điều kiện cho cả lao động nam và nữ trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi tạo việc làm, tiếp cận các chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động nữ. Giải pháp này sẽ tăng cơ hội, điều kiện cho nhóm lao động đặc thù, yếu thế trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ việc làm.
Tán thành sự cần thiết sửa đổi luật, song Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo luật, cho rằng một số quy định trong dự thảo Luật chưa bảo đảm tính khả thi, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn đặt ra trong quá trình quản lý hoặc dự thảo Luật thiếu các quy định mà thực tiễn đòi hỏi.
| ||
|
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chỉ rõ, quy định trong dự thảo Luật chưa thực sự phù hợp với đặc điểm việc làm của khu vực phi chính thức như: các chính sách đào tạo, phát triển kỹ năng, bảo hiểm thất nghiệp, thông tin thị trường lao động, đăng ký lao động…;
Mặt khác, chưa quy định chính sách để thu hút lực lượng lao động ở khu vực phi chính thức tham gia khu vực chính thức và không khả thi nếu chỉ dựa vào việc cung cấp thông tin khu vực phi chính thức cho người sử dụng lao động…
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 21/10 tới đây. Như vậy, những vấn đề trên cần được cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương quan tâm, nghiên cứu thấu đáo, bổ sung các quy định cụ thể, phù hợp, để bảo đảm tính khả thi./.
Bài 1: Bấp bênh đời sống lao động phi chính thức
Bài 2: Cải thiện kỹ năng - "Chìa khóa" mở cơ hội việc làm bền vững