Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Yêu Nước, yêu từng lời Quốc ca...

Thứ Bảy, 17/08/2024 09:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhiều năm trôi qua, bài hát trở thành hành khúc, đồng hành cùng nhân dân Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa và là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.

Tại cuộc mít-tinh ngày 19/8 trước Quảng trường Nhà hát Lớn, bài hát
Tiến quân ca đã vang lên - Ảnh: TL

“Tiến quân ca” - Quốc ca của nước Việt Nam lần đầu tiên được cất lên trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn vào ngày 17/8/1945. Trước đó, ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

“Tiến quân ca” là bài hát được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1944 và được sử dụng làm quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kể từ năm 1976. Trước đó, “Tiến quân ca” là quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1976. Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, thay vì "Đoàn quân Việt Nam đi", những người tham gia Việt Minh thường hát là "Đoàn quân Việt Minh đi". Khi được chọn chính thức làm quốc ca, phần lời của quốc ca đã được sửa đổi khác đôi chỗ so với bản gốc "Tiến quân ca" của Văn Cao.

Ca khúc “Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1944. Với những giai điệu thiêng liêng, hào hùng, kể từ khi ra đời đến nay, bài hát đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử và trở thành một phần thiêng liêng không thể thay thế trong tâm hồn, máu thịt mỗi người dân.

Tháng 11/1944, bài hát “Tiến quân ca” lần đầu tiên được in trên tờ báo Độc Lập, rồi phổ biến rộng rãi.

Tại Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) diễn ra vào tháng 8/1945 tại đình Tân Trào, thuộc thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi được giao nhiệm vụ tham khảo ý kiến các đại biểu, chọn một số bài hát mang lên để Bác Hồ chọn một bài làm Quốc ca. Ông đã trình lên 3 bài hát: “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Chiến sỹ Việt Minh” và “Tiến quân ca” của Văn Cao. Sau khi nghe Nguyễn Đình Thi hát, Bác Hồ quyết định chọn bài “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao làm Quốc ca, bởi bài hát này vừa thể hiện được ý chí, khát vọng của dân tộc, lại gắn gọn, dễ thuộc lời, dễ phổ cập, giai điệu lại hùng tráng…

Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945, ca khúc “Tiến quân ca” lần đầu tiên được cất lên trước đông đảo dân chúng trong cuộc mít tinh của nhân dân trước Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đến ngày 19/8/1945, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trước hàng ngàn quần chúng nhân dân, giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, nhạc sỹ Văn Cao đã chỉ huy đội đồng ca thiếu niên tiền phong hát vang bài “Tiến quân ca”. Bài hát như một hồi kèn xung trận, đồng hành cùng quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền.

 “Tiến quân ca” - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức được gia đình cố nhạc sỹ  Văn Cao hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, ngày 2/9/1945, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đồng thời trịnh trọng tuyên bố với thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy.

Khi lá cờ Tổ quốc từ từ kéo lên, giai điệu bài "Tiến quân ca" do dàn quân nhạc trình tấu cũng vang lên hùng tráng, làm xúc động nghẹn ngào hàng vạn người. Và người chỉ huy dàn quân nhạc trình tấu bài Tiến quân ca khi ấy là nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên - nguyên chỉ huy Đoàn Quân nhạc Việt Nam. Hàng vạn quần chúng chứng kiến giờ phút thiêng liêng ấy bị cuốn vào dòng âm thanh có một sức mạnh cổ động thần kỳ, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của cách mạng.

Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn "Tiến quân ca" làm quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: "Quốc ca là bài Tiến quân ca". Năm 1955, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I đã quyết định mời tác giả tham gia sửa một số chỗ về phần lời của quốc ca để phù hợp với tình hình thực tế và đó chính là bài Quốc ca như hiện nay.

Đã có lúc, Quốc ca Việt Nam đứng trước nguy cơ bị thay thế. Đó là vào năm 1981, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa VI đã quyết định tổ chức một cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới, để thay thế bài “Tiến quân ca”, với lý do “cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới. Để cổ vũ mạnh mẽ đồng bào và chiến sỹ ta, thể hiện sâu sắc chí khí hào hùng của toàn dân quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ mới của cách mạng, thì cần có một Quốc ca mới.

Cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới được tiến hành rầm rộ, bài bản. Hàng nghìn tác phẩm được các nhạc sỹ gửi đến Ban vận động, qua 2 vòng xét duyệt kỹ lưỡng, Ban vận động đã chọn được 17 bài hát để trình lên Quốc hội nghe và giới thiệu rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân. Nhưng rồi cuối cùng, Quốc hội quyết định tiếp tục giữ bài “Tiến quân ca” là Quốc ca, bởi đó chính là ý nguyện của đông đảo nhân dân.

Ngày 15/7/2016, sau 72 năm ra đời và gắn bó với lịch sử dân tộc, thể theo nguyện vọng của nhạc sỹ Văn Cao lúc sinh thời và ý nguyện của gia đình, ca khúc “Tiến quân ca” - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức được gia đình cố nhạc sỹ hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam, trở thành tài sản chung của dân tộc.

“Tiến quân ca” ngân vang trong lòng dân tộc, góp tiếng nói chủ quyền trong mọi sự kiện trọng đại của đất nước. Năm 1945, lần đầu tiên, "Tiến quân ca" được cất lên trong hoạt động đối ngoại của nước ta do đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì lúc tổ chức lễ đón phái đoàn Mỹ do Đại tá Patti dẫn đầu tại trung tâm Hà Nội.

Khi ấy, cuộc gặp gỡ, tiếp xúc diễn ra sáng ngày 26/8/1945 giữa đồng chí Võ Nguyên Giáp với tư cách là Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam và Thiếu tá Archimedes L.A. Patti - Trưởng Phái bộ tiền trạm của quân đội Mỹ vào Bắc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giải cứu các tù binh Đồng Minh bị quân Nhật bắt giữ và chuẩn bị cho việc giải giới quân Nhật.

Đây là cuộc giao thiệp đầu tiên giữa đại diện của Chính quyền cách mạng Việt Nam và lực lượng quốc tế, cụ thể là phái bộ Mỹ đến Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Lễ chào cờ này cũng được xem là nghi lễ ngoại giao đầu tiên của nước ta.

Chào Cờ, hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. 

Trong lịch sử gần 80 năm thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng là ngần ấy năm những biểu tượng của nước Việt bao gồm Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy - những chứng nhân, bảo vật của lịch sử, cùng đi theo chiều dài lịch sử gian lao mà vô cùng oanh liệt của đất nước đất nước.

Quốc ca mang hồn thiêng sông núi, là tiếng đồng vọng của lịch sử, là lời hiệu triệu xốc tới, là mạch đập của đất nước và dân tộc, trở thành mạch đập trái tim./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN