Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Tập trung nguồn lực xây dựng Nông thôn mới

Thứ Hai, 07/12/2015 14:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Là một trong những địa phương có nhiều kết quả tích cực trong công tác triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Vĩnh Phúc đang hướng tới sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của địa bàn một cách bền vững.

Năm 2015, tỉnh đã ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển cho xây dựng NTM. Đây là động lực quan trọng để đẩy nhanh tiến độ, thu hút các nguồn lực đầu tư khác thực hiện chương trình. Theo đó, trong năm, toàn tỉnh có 32 xã đăng ký đạt chuẩn NTM, tăng 88% số xã đăng ký so với năm 2014. Trong đó, có 20 xã do tỉnh chọn và 12 xã cấp huyện đăng ký. Từ đầu năm đến nay, tổng vốn ngân sách hỗ trợ cho Chương trình xây đạt trên 865,5 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh và vốn Trung ương chiếm 68,5%, vốn ngân sách huyện chiếm 8,5%, vốn ngân sách xã 23%.

Đến nay, trên địa bàn đã có thêm 5 xã thuộc huyện Yên Lạc, 4 xã của huyện Bình Xuyên hoàn thành và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn lên 49 xã. Ước cả năm 2015, tỉnh có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 70 xã, đạt 62,5% số xã trên toàn tỉnh; có 2 huyện: Yên Lạc và Bình Xuyên đạt huyện nông thôn mới.

Làm đường giao thông mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn (Ảnh: K.D)

Một trong những nét triển khai hiệu quả của tập trung sản xuất nông nghiệp mà chương trình NTM hướng đến là thực hiện “dồn điền đổi thửa” nhằm tích tụ ruộng đất, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa. Trên địa bàn Vĩnh Phúc, trong suốt thời gian qua, kết quả thu về đáng khích lệ khi nhờ việc làm này, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nhiều điển hình nông dân tiên tiến.

Đơn cử như mô hình trang trại của “Câu lạc bộ giúp nhau làm kinh tế” ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường -  một mô hình trang trại tổng hợp trù phú vườn cây ăn quả, ao thả cá, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khó có thể hình dung nơi đây từng là vùng ruộng đất trũng, đất đai bạc màu, trồng lúa năm được, năm mất. Chia sẻ về mô hình này, ông Cao Duy Oánh, chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, 3 năm trước, nơi đây từng là diện tích ruộng cấy lúa 2 vụ nhưng thường xuyên bị ngập úng nên canh tác vô cùng khó khăn, dù phải đầu tư rất nhiều nhưng thu hoạch không được bao nhiêu, có những năm bị mất mùa nên đời sống người nông dân rất vất vả. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã về dồn ghép ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2012, Hội Nông dân xã đã thành lập Câu lạc bộ giúp nhau làm kinh tế nhằm chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đến nay, mô hình trang trại của Câu lạc bộ mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn cá, trái cây, cung ứng cho thị trường hàng trăm con lợn thịt, hàng nghìn con gà thịt và trứng gia cầm các loại.

Ảnh minh họa: VH

Bên cạnh mô hình tích tụ ruộng đất theo hướng tập thể đã có những mô hình tích tụ ruộng đất cá thể của hộ nông dân mang lại hiệu quả tích cực. Về xã Vũ Di, Vĩnh Tường hỏi thăm trang trại hoa tươi của chị Nguyễn Thị Duyên thì ai cũng biết. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp đại học, với kiến thức và niềm đam mê nghề trồng hoa, chị đã quyết định về quê lập nghiệp. Với số vốn hơn 300 triệu đồng vay mượn từ người thân, chị đã thuê lại toàn bộ số đất ruộng canh tác kém hiệu quả tại địa phương, đồng thời, mua sắm nông cụ, vật tư và thuê nhân công đầu tư trồng hoa thương phẩm. Vụ hè năm 2015, chị đã trồng thử nghiệm thành công gần 10 ha hoa hướng dương, đến nay các loại hoa của trang trại hoa tươi của chị không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang một số quốc gia như: Thái Lan, Trung Quốc… Mỗi năm trừ mọi chi phí, nghề trồng hoa mang lại thu nhập gần trên một tỷ đồng, không chỉ vậy chị còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.

Có thể thấy, tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa quy mô lớn tuy mới chỉ xuất hiện ở một vài địa phương trên địa bàn tỉnh nhưng đã hé lộ những tích cực. Cách làm hay, ý tưởng sáng tạo của những người nông dân dám nghĩ, dám làm rất cần được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ hơn nữa nhằm góp phần phát triển vùng nông nghiệp hàng hóa, thúc đẩy kinh tế địa phương.

                                                                                                                                                                                                                                                                                 HNV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN