Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới
(ĐCSVN) – Quảng Nam có nguồn lực văn hóa được kết tinh bởi vốn tài nguyên hình thành từ hệ thống giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu bản sắc. Đây sẽ là nguồn lực để phát triển, là “con đường” ngắn nhất quảng bá hình ảnh Quảng Nam với Nhân dân cả nước và hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam cho rằng, Quảng Nam có nguồn lực văn hóa được kết tinh bởi vốn tài nguyên hình thành từ hệ thống giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu bản sắc. |
Đó là khẳng định của đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam tại hội thảo khoa học "Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới" do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III tổ chức sáng 8/10.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Đoàn Triệu Long, Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, đồng chủ trì hội thảo cho biết: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là: “...Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Giá trị văn hóa, con người Quảng Nam được hình thành trong điều kiện tự nhiên, địa lý, lịch sử đặc thù, và cũng là yếu tố nền tảng cơ bản quyết định sự thành công trong các giai đoạn phát triển của Quảng Nam. Nhận thức về tầm quan trọng của giá trị văn hóa, con người trong lịch sử, địa phương luôn có các quyết sách để tiếp tục phát huy giá trị này trong hiện tại và tương lai, thể hiện tư duy lãnh đạo tiên tiến. Đặc biệt, trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng chính phủ cũng nhấn mạnh: "khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, bền bỉ của con người Xứ Quảng".
PGS.TS Đoàn Triệu Long, Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu đề dẫn Hội thảo. |
Giá trị văn hóa, con người Quảng Nam là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương thời gian qua. Xây dựng “tỉnh Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030” là khát vọng vươn lên từ chính bản lĩnh, ý chí, sức mạnh, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của con người xứ Quảng được đúc kết trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Văn hóa, con người Quảng Nam đã làm tốt vai trò: là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực phát triển Quảng Nam bền vững. PGS.TS Đoàn Triệu Long chia sẻ.
Phát biểu tại hội thảo Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định: Quảng Nam có nguồn lực văn hóa được kết tinh bởi vốn tài nguyên hình thành từ hệ thống giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu bản sắc. Toàn tỉnh hiện có 458 di tích được xếp hạng; trong đó có 04 di tích quốc gia đặc biệt (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn vừa là di tích quốc gia đặc biệt vừa là Di sản Văn hóa thế giới), 67 di tích cấp quốc gia, 387 di tích cấp tỉnh cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Bên cạnh hệ thống di sản vật thể, tỉnh Quảng Nam còn có sự phong phú, đa dạng của các loại hình văn hóa phi vật thể, trong đó, nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, nguồn lực văn hóa đang được nhận diện với các ngành công nghiệp văn hóa. Trong số 13 ngành công nghiệp văn hóa, tiềm năng, lợi thế của Quảng Nam hiện diện ở nhiều ngành; trong đó hiện diện nổi bật ở ngành du lịch văn hóa. Đây được xác định là nguồn lực quan trọng vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần cho Nhân dân trong tỉnh và khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Quảng Nam, vừa là “con đường” ngắn nhất quảng bá hình ảnh Quảng Nam với Nhân dân cả nước và hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được xem là tài sản quốc gia, là một trong những đặc trưng nhận diện của du lịch Việt Nam. Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Cũng theo đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết: Nhìn lại hơn 27 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông nằm trong nhóm các tỉnh nghèo nhất nước, Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương từ năm 2017. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao trong nhiều năm liên tục. Nhiều dự án lớn về công nghiệp ô tô, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế.... Công nghiệp văn hóa đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa từng bước được nâng lên. Các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, đối ngoại diễn ra sôi nổi, đạt nhiều kết quả, góp phần quảng bá văn hóa Quảng Nam ra khu vực và thế giới; đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới làm phong phú nền văn hóa Quảng Nam; tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Để góp phần nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về giá trị văn hóa, con người Quảng Nam gắn với sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới, hội thảo đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề có liên quan, đặc biệt là đã tập trung trao đổi, làm rõ các vấn đề như: Nghiên cứu, khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục nhận diện và phát huy giá trị đặc trưng văn hóa, con người Quảng Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh; nhận diện rõ các giá trị văn hóa, con người Quảng Nam từ truyền thống đến hiện đại cần phát huy trong thời kỳ mới, những giá trị nằm trong nguồn mạch chung của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; xác định các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong phát huy các giá trị văn hóa, con người Quảng Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hóa việc thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới…
Quang cảnh tại Hội thảo “Nhận diện và phát huy giá trị văn hoá, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới”. |
Hội thảo đã nhận được 52 tham luận từ các nhà khoa học trong cả nước. Các tham luận đã thể hiện tính khoa học chuyên sâu và tính thực tiễn sinh động, bao quát được 2 nội dung lớn của hội thảo: Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận, thảo luận đã được các đại biểu đánh giá cao, trong đó đáng chú ý như: Phát huy giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu của xứ Quảng trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người Quảng Nam giai đoạn mới; Công tác lãnh đạo xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hoá ở Quảng Nam; Một số giải pháp phát triển tỉnh Quảng Nam trên cơ sở các giá trị văn hoá truyền thống và hiện đại; Phát huy nét đặc trưng văn hoá Quảng Nam trong nền văn hoá Việt Nam thống nhất trong đa dạng; Phát huy mặt mạnh của con người Quảng Nam; Một số vấn đề hệ giá trị văn hoá với nền tảng tinh thần của xã hội;…../.