Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Triển lãm cây cảnh nghệ thuật nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Thứ Hai, 07/10/2024 15:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

​(ĐCSVN) - Trong khuôn viên hơn 1.000 m2, 70 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đặc sắc được tuyển chọn tại 3 miền, tượng trưng cho 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) được giới thiệu tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (Hà Nội).

Từ ngày 6 - 12/10/2024, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Câu lạc bộ bonsai Phố cổ Hà Nội (Hội Sinh vật cảnh Việt Nam) triển lãm 70 tác phẩm cây cảnh bonsai nghệ thuật tượng trưng về 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đây là dịp giúp công chúng thưởng lãm những nét đặc sắc của nghệ thuật bonsai độc đáo của Việt Nam.

Sự kiện do Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, Câu lạc bộ bonsai Phố cổ Hà Nội tổ chức nhằm tôn vinh ngành sinh vật cảnh Việt Nam, góp phần giới thiệu, quảng bá nét đẹp, giá trị văn hóa, thú chơi sinh vật cảnh của người Thủ đô với bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời tôn vinh những nghệ nhân, thợ giỏi sinh vật cảnh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong khuôn viên hơn 1.000 m2, 70 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đặc sắc được tuyển chọn tại 3 miền (Bắc - Trung - Nam), tượng trưng cho 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được giới thiệu. Trong khuôn khổ hoạt động, Ban tổ chức trưng bày, tái hiện đặc trưng nét đẹp văn hóa lịch sử nghệ thuật Hà Nội 36 phố phường; Khu chia sẻ kỹ thuật, kiến thức về thú chơi cây cảnh của người Hà Nội xưa và nay.

Khu trưng bày các tác phẩm thuộc các nhóm sinh vật cảnh gồm có hoa, cây bonsai kết hợp đá cảnh, cây bonsai kết hợp gỗ lũa, cây cảnh nhiều thế dáng. Nổi bật là Khu trưng bày giới thiệu các tác phẩm cây cảnh bonsai, tác phẩm non bộ tiểu cảnh, có rất nhiều các chủng loại cây bonsai, từ các loại cây quý như cây tùng, cây bách đến các loại cây dân gian, dễ trồng như cây đa, cây si… Những chậu bonsai có thế dáng đẹp, sống động, hài hòa như những tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu được kết hợp từ thiên nhiên với đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, người chơi cây, đã mang lại nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn. Bên cạnh đó, khách tham có dịp giao lưu với các nghệ nhân tạo tác cây cảnh, hoa cảnh, đá cảnh, gỗ lũa, bể đá cổ.

 Du khách thăm quan triển lãm.

Theo một chủ cây cảnh tại triển lãm cho hay, một cây cảnh bonsai thuộc hàng “độc” phải bảo đảm các yếu tố “Cổ - Kỳ - Mỹ”. “Cổ” được hiểu là cây lâu năm, độ cổ của cây bao gồm cổ lão nhân tạo và cổ lão tự nhiên. Còn yếu tố “Kỳ” là “dị thảo” đó là sự kỳ công của tự nhiên và nghệ nhân tạo nên dáng thế, mang tới sự kỳ thú cho người thưởng ngoạn. Còn “Mỹ” trong bonsai được hiểu là vẻ đẹp, sự hoàn hảo. Một cây cảnh hội tụ đủ các yếu tố “Cổ - Kỳ - Mỹ” thì cây cảnh bonsai sẽ hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc.

Anh Hà Mạnh Đức - một người chơi cây bonsai lâu năm tại Hà Nội cho biết, nét khác biệt giữa thưởng thức một cây cảnh thường và cây bonsai là ở cây cảnh thường người ta tập trung nhiều vào việc ngắm hoa và lá, còn với bonsai, sự thưởng lãm nằm ở vẻ đẹp của toàn cây và sự hòa điệu của cây với chậu, cành. Trong nghệ thuật bonsai, lá cây được tìm cách thu nhỏ - càng nhỏ càng hay, còn hoa chỉ là yếu tố phụ.

Triển lãm là hoạt động có ý nghĩa, tạo cơ hội cho các hội, làng nghề, câu lạc bộ, nghệ nhân sinh vật cảnh trong và ngoài Thủ đô gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghệ thuật, tay nghề nhằm tạo ra nhiều tác phẩm sinh vật cảnh có giá trị; cùng hợp tác và phát triển. Nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, gìn giữ, bảo tồn, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất và người Thủ đô tới bạn bè trong nước và quốc tế.

 Triển lãm mang tới người xem một không gian văn hóa độc đáo của nghệ thuật chơi cây cảnh Việt Nam.

Thủ đô Hà Nội hiện là một trong những địa phương đi đầu cả nước về quy mô và giá trị sinh vật cảnh. Năm 2023, Thành phố có trên 8.100 ha chuyên canh hoa, cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng. Thành phố đã công nhận 14 làng nghề về hoa, cây cảnh trên địa bàn, có 36 sản phẩm hoa, cây cảnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Sinh vật cảnh có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”, cũng như định hướng phát triển ngành nông nghiệp sinh thái bền vững và đô thị thông minh.

Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng Đề án nông nghiệp đô thị, trong đó sinh vật cảnh được xác định là một nhóm ngành hàng quan trọng được ưu tiên phát triển, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tác động của quá trình đô thị hóa nhanh, tăng tỷ lệ diện tích cây xanh bình quân trên đầu người./.

Tin, ảnh: N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN