Hà Nội quyết tâm xử lý nhà "siêu mỏng, siêu nhỏ”
(ĐCSVN) - Thửa đất sau thu hồi có ít nhất một cạnh tiếp giáp tuyến đường giao thông và có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 15m2, kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m sẽ không được tồn tại; diện tích đất ở tối thiểu 50m2 mới được tách thửa (tăng 20m2 so với quy định trước)...
Quy định mới trong lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị...
Trong bối cảnh Hà Nội cùng cả nước, cả nước cùng Hà Nội chào mừng 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), nhiều bạn đọc muốn biết quy định mới nhất liên quan tới lĩnh vực đất đai (quy hoạch, quản lý, chia tách)… trên địa bàn thành phố.
Có thể thấy, nhiều năm qua, chính quyền Thủ đô đã ban hành hàng loạt văn bản, giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở hệ thống cơ sở nhưng tại nhiều dự án mở đường, tuyến phố mới vẫn xuất hiện những căn nhà, mảnh đất chỉ vài m2, ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan đô thị.
Cụ thể, theo Quyết định 61/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 07/10/2024, về việc xử lý các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích quốc phòng, an ninh được nêu rõ trong Khoản 1 Điều 15 Chương II:
Đối với đất ở:
- Thửa đất sau thu hồi có ít nhất một cạnh tiếp giáp tuyến đường giao thông và có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 15m2, kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m;
- Thửa đất sau thu hồi không có lối đi và có diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa quy định tại Khoản 1 Điều 14 Quy định này.
Đối với đất khác: Thửa đất có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 50m2.
Phần đất bị cắn xén khiến phần đất còn lại trở nên méo mó, từ đó xuất hiện nhiều căn nhà hình thù “kì dị”, siêu mỏng, siêu méo. "Khi chưa có đường vành đai 2, nhà tôi nằm trong ngõ diện tích 34m2, nhưng giờ chỉ còn 20m2. Do bị cắt chéo đi 14m2 nên giờ nếu nhìn từ phải sang, khu đất nhà tôi thành hình tam giác. Vì làm kinh doanh nên sau giải phóng, tôi phải sửa lại nhà sớm", chủ cửa hàng kính mắt trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng chia sẻ. (Ảnh minh họa, nguồn: laodong.vn) |
Quyết định 61/2024/QĐ-UBND cũng quy định cụ thể việc hợp thửa đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại.
Trường hợp 1, đối với người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp, UBND cấp huyện thông báo, hướng dẫn người đang sử dụng đất thực hiện thỏa thuận về chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất để hợp thửa đất theo quy định
Người sử dụng đất được tạo điều kiện thuận lợi làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.
Trường hợp 2, đối với đất chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, UBND cấp huyện tiến hành kiểm tra, xét duyệt, thông báo, hướng dẫn người đang sử dụng đất thỏa thuận và thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để hợp thửa đất.
Đồng thời, UBND cấp huyện tiến hành làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất theo quy định sau khi người sử dụng đất hoàn thành việc hợp thửa đất.
Thời gian thực hiện thỏa thuận hợp thửa đất quy định nêu trên là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp và 90 ngày đối với đất nông nghiệp, kể từ ngày UBND cấp huyện ban hành Thông báo thu hồi đất.
Trường hợp không thực hiện được việc hợp thửa đất theo quy định nêu trên do xét thấy không đủ điều kiện để cho phép hợp thửa đất hoặc người sử dụng đất không có nhu cầu, không thực hiện được thỏa thuận hợp thửa đất, UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Nhà nước áp dụng biện pháp thu hồi đất để xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng thì trình tự, thủ tục thu hồi đất và việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai.
Bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị
Tại Hà Nội, sau khi nhà nước thu hồi đất làm đường, hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa…, đã xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, thậm chí có căn diện tích nền chưa tới 15m2. Tình trạng này cũng là vấn đề nhức nhối ở một số thành phố, đô thị lớn khác trên cả nước.
Về nội dung này, theo TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội), mặc dù hành lang pháp lý đã có nhưng vẫn chưa thể xử lý được triệt để, một phần do thiếu sự kiên quyết xử lý của chính quyền địa phương, phần khác do quy định pháp luật còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Việc chia tách thửa đất cần bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân. Đặc biệt, về lâu dài cần tính đến các yếu tố tránh phá vỡ quy hoạch chung hoặc gây ra sự mất cân đối trong hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đồng thời duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử.
Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết các quy định về chia tách thửa đất phải cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của người dân và mục tiêu phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Điều này đòi hỏi việc phân lô, tách thửa đất không chỉ tuân thủ tiêu chí về diện tích và hạ tầng kỹ thuật mà còn cần cân nhắc kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị và không gian sống.
Là công chức làm việc tại Quốc hội, anh Nguyễn Thanh Hà (43 tuổi, quê gốc huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) cho rằng với quy định mới này, không chỉ giá nhà, đất diện tích nhỏ tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng mà thị trường chung cư cũng nóng lên. Thực tế nhu cầu “bám trụ” lại Thủ đô của người dân tương đối lớn nên thời điểm này càng mua nhà sớm càng có lợi (nguồn tài chính có thể mượn người nhà, vay vốn ngân hàng…)./.