Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: phấn đấu đạt diện tích 19.000 ha cây trồng các loại vào Vụ Đông

Thứ Sáu, 07/09/2018 18:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, vụ Đông 2017, tổng diện tích cây trồng hằng năm đạt trên 86,5% kế hoạch, tổng giá trị sản xuất toàn vụ đã đạt trên 1.000 tỷ đồng, giá trị thu nhập khoảng 58,9 triệu đồng/ha.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)

Đặc biệt, các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tiếp tục là động lực khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất vụ Đông nói riêng. Theo đó, cùng với cấp kinh phí gần 11 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ trên 7.547 ha cây ngô thường, khoai lang, đậu tương và cây lạc tại 9/9 huyện, thành phố, tỉnh đã dành nguồn kinh phí lớn hỗ trợ sản xuất 2 giống ngô biến đổi gen NK4300Bt/GT, NK66Bt/GT và hỗ trợ sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo VietGAP. Kết thúc vụ Đông, trên 5.118 ha giống ngô biến đổi gen đã cho năng suất đạt từ 53 – 55 tạ/ha, trừ chi phí thu lãi khoảng 13 triệu đồng/ha; hơn 1.098 ha cây rau, quả hàng hóa an toàn theo VietGAP đều cho năng xuất, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng truyền thống. Trong đó, nhiều loại cho giá trị kinh tế cao như: Dưa chuột đạt trên 122 triệu đồng/ha; cà chua gần 249 triệu/ha; ớt từ 146 – 319 triệu đồng/ha…

Tại hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông năm 2017 được tổ chức chiều 04/9, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định sản xuất vụ Đông 2018 sẽ tiếp tục diễn ra trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp trong khi hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp hơn so với một số ngành khác khiến nông dân không mặn mà với đồng ruộng…

Để đạt mục tiêu tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 19.000ha; tổng giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng, trong vụ Đông 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây trồng hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh; mở rộng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; khuyến khích các tổ chức nhân thuê, gom ruộng để sản xuất hàng hóa tập trung, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích việc dồn thửa, đổi ruộng gắn với xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”, “sản xuất theo chuỗi giá trị” và phát triển sản xuất hữu cơ, cây dược liệu…

 

 

A.N

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN