Viettel tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ 5G
(ĐCSVN) - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ngày 2/7 cho biết, trong khuôn khổ Triển lãm Computex 2024 (diễn ra tại Đài Loan, Trung Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Supermicro (Mỹ) nhằm phát triển công nghệ, tập trung vào các giải pháp toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).
Thoả thuận được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và triển khai mạng 5G rộng khắp Việt Nam, hướng tới mục tiêu hai doanh nghiệp cùng tạo ra những giá trị lớn, nâng tầm chất lượng dịch vụ với khách hàng.
Cụ thể, tại mảng nghiên cứu và phát triển 5G, hai bên sẽ hợp tác phát triển các giải pháp 5G bao gồm phần mềm và phần cứng. Ở lĩnh vực điện toán đám mây, Supermicro sẽ cung cấp phần cứng và Viettel cung cấp phần mềm để phát triển giải pháp Private Cloud đến khách hàng. Hai bên sẽ cùng phát triển các giải pháp máy chủ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, được “may đo” phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng; ứng dụng AI để nâng cao chất lượng viễn thông, trung tâm dữ liệu và các quy trình kinh doanh.
Phó Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Đình Chiến (bên trái) và ông Wally Liaw, đồng sáng lập Công ty Supermicro trao thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Viettel cung cấp) |
Viettel có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác viễn thông, đã làm chủ hoàn toàn các thiết bị trong hệ sinh thái 5G bao gồm thiết bị truy nhập vô tuyến, thiết bị truyền dẫn, hệ thống mạng lõi, đưa Việt Nam trở thành nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G.
Trong khi Supermicro được biết đến nhờ thế mạnh phát triển máy chủ, cung cấp phần mềm quản lý máy chủ, hệ thống lưu trữ hiệu suất cao và hiệu năng cao cho nhiều đối tác, cộng với các giải pháp điện toán tiên tiến đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, tổ chức.
Trước đó, trong hội nghị Di động Thế giới MWC 2024 (tại Barcelona, Tây Ban Nha), hai bên có dịp trao đổi, chia sẻ, tìm kiếm lĩnh vực tiềm năng hợp tác.
Triển lãm Comuptex 2024 là sự kiện thường niên từ 1981, quy tụ những xu hướng công nghệ trong tương lai với sự góp mặt của hơn 1.000 nhà phát triển đến từ 26 quốc gia/vùng lãnh thổ, góp phần tạo nên một sân chơi công nghệ đúng nghĩa./.