Xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai
(ĐCSVN) – Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với đối tác Nga triển khai dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai với cấu phần chính là lò phản ứng hạt nhân công suất 10 MW nhằm sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế và công nghiệp; chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn…
Đây là thông tin được đưa ra tại họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức chiều 4/7, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại họp báo. Ảnh: TL |
Hoàn thiện thể chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cho biết: Trong Quý II năm 2024, Bộ KH&CN đã tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi), Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ 05 dự thảo văn bản: Quyết định phê duyệt Danh mục sản phẩm quốc gia tiếp tục hỗ trợ trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; Quyết định ban hành Danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ KH&CN; Quyết định phê duyệt danh sách thành viên và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST); Quyết định ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Quyết định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ KH&CN.
Ban hành theo thẩm quyền 03 Thông tư: Thông tư về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Thông tư quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 của Bộ trưởng Bộ KH&CN; Thông tư quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.
Đặc biệt, Bộ đã tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) với các đối tác quốc tế như: Ký kết bản ghi nhớ giữa Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) và Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt về kế hoạch triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu KH&CN hạt nhân tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu KH&CN hạt nhân vì mục đích hòa bình; Tổ chức Đoàn công tác do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm trưởng đoàn thăm và làm việc tại Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác về KH&CN; đẩy mạnh hợp tác về pháp quy hạt nhân; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…
Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cũng cho biết, trong Quý III/2024, Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; Hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Báo cáo Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2024.
Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ 02 dự thảo văn bản, gồm: Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình/nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030. Tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Hội nghị Pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ VI tại Hà Nội; Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024.
Xây dựng trung tâm nghiên cứu KH&CN hạt nhân tại Đồng Nai
Tại buổi họp báo đại diện Bộ KH&CN đã trả lời nhiều câu hỏi các cơ quan báo chí quan tâm, đặt ra về lĩnh vực quản lý của ngành KH&CN.
Theo đó, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ ngày 19-20/6, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) A.E.Likhachev và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã ký kết bản ghi nhớ về kế hoạch triển khai dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu KHCN hạt nhân tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu KHCN hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Trả lời câu hỏi của báo chí về dự án này, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN) cho biết, Bộ KH&CN đang phối hợp với đối tác Nga triển khai dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu KHCN hạt nhân tại Đồng Nai với cấu phần chính là lò phản ứng hạt nhân công suất 10 MW nhằm sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế và công nghiệp; chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn…Đây là dự án được cả hai phía Việt Nam-Nga rất quan tâm, được đưa vào danh mục ưu tiên thực hiện trong hợp tác giữa hai Chính phủ.
Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (ngoài cùng bên trái) trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: TL |
Hiện tại, Bộ KH&CN và Rosatom đang phối hợp chặt chẽ trong việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ địa điểm. Cấu phần chính của dự án là lò phản ứng hạt nhân công suất 10 MW với mục tiêu sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế và công nghiệp; chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn; thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực chuyển hóa vật liệu, khoa học vật liệu, các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về vật lý hạt nhân; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Để triển khai dự án này, Bộ KH&CN đã có những phương án trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực không những cho quản lý và triển khai thực hiện dự án ở các giai đoạn khác nhau mà còn có một kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho vận hành bảo đảm an toàn và khai thác hiệu quả trung tâm nghiên cứu KHCN hạt nhân sau khi đi vào hoạt động.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án về xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn. Vì vậy, để hỗ trợ công tác thẩm tra, thẩm định cho báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ thiết kế, Bộ KH&CN đã đề nghị Rosatom tạo điều kiện để một số cán bộ Việt Nam được tham gia thực hiện thiết kế cơ sở của lò phản ứng và các tính toán, phân tích an toàn đi kèm. Rosatom cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo cán bộ vận hành lò phản ứng nghiên cứu.
Để chuẩn bị cho nguồn cán bộ làm công tác nghiên cứu, ứng dụng để khai thác hiệu quả lò nghiên cứu mới, đảm bảo an toàn, khi trung tâm đi vào hoạt động, Bộ KH&CN đã giao Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xây dựng các nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân...
Hiện Viện Năng lực nguyên tử Việt Nam cũng đang mở rộng hợp tác với một số đơn vị nước ngoài, đặc biệt là Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna – nơi đào tạo những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực hạt nhân, để thời gian tới có đội ngũ cán bộ có thể khai thác lò hạt nhân hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay năng lượng nguyên tử ngày càng được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả trong ngành y học, nông nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa….
Trong thời gian tới, hai bên sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện dự án này bảo đảm tiến độ, hiệu quả cũng như tuân thủ các quy định của IAEA, Việt Nam và Liên bang Nga, đặc biệt cho giai đoạn phê duyệt địa điểm trung tâm và báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án; cũng như hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực cho thực hiện dự án; bảo đảm khai thác vận hành an toàn và hiệu quả sau khi lò phản ứng nghiên cứu mới đi vào hoạt động.
Liên quan vấn đề hàng giả, hàng nhái khi thương mại điện tử phát triển, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mang lại cho xã hội nhiều lợi ích, nhưng cũng rất nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn có tính toàn cầu, bao gồm ở Việt Nam, là giải quyết hàng giả, hàng nhái trong môi trường thương mại điện tử.
Bộ KH&CN đã có nhiều giải pháp nhằm xử lý và giảm bớt tình trạng này, trong đó việc đầu tiên là xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật. Gần đây nhất là Bộ KH&CN đã chủ trì xây dựng Nghị định 46 sửa đổi Nghị định 99 về quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực vi phạm sở hữu công nghiệp. Với Nghị định 46, các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử đã được làm rõ.
Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang phối hợp với các Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để hoàn thiện nền tảng pháp lý, các chính sách liên quan tới thương mại điện tử./.