Triển khai quyết liệt các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long
(ĐCSVN) - Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp xanh...
Lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Thanh Khiết) |
Trước đó, đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Cà Mau. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Về phía tỉnh Sóc Trăng, có đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng lãnh đạo một số sở ngành tỉnh như: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin, Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đề ra 14 chỉ tiêu phát triển, 26 nhiệm vụ và 07 dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của vùng cần thực hiện đến năm 2030. Qua 02 năm triển khai, đến nay đã hoàn thành 04 nhiệm vụ; về tình hình triển khai quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay 13/13 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, với tổng số 363 chương trình, dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực, với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế và gấp gần 1,3 lần so với bình quân chung cả nước.
Cũng tại hội nghị, các tỉnh đã đề xuất các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần sản xuất theo hướng thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh nội đồng hướng đến phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về lâu dài, cần nạo vét các cồn nổi trên sông Tiền tránh sạt lở, đồng thời xây dựng phương án trữ nước từ đầu nguồn, đặc biệt là trên các tuyến kênh, rạch nhằm tiến tới không sử dụng nguồn nước ngầm, bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời có quy chế đặc thù cho vùng bán đảo Cà Mau. Đối với tình trạng sạt lở bờ biển đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm giao, cho thuê một phần diện tích đất rừng phòng hộ được bảo vệ sau kè đối với khu đất đã bị sạt lở để xây dựng công trình, dự án phát triển kinh tế. Đối với giải pháp cung cấp nước ngọt cho khu vực bán đảo Cà Mau, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đấu nối với dự án Quản lộ - Phụng Hiệp, trong đó có các hạng mục sửa chữa Âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên Quốc lộ 1 nhằm làm chậm quá trình xâm nhập mặn, bổ sung nguồn nước ngọt về Cà Mau.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đề ra các giải pháp phù hợp với từng địa phương, ở từng thời điểm để tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp xanh tiến tới tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp nhằm phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.