Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ra mắt Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi

Thứ Sáu, 05/07/2024 15:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Kế thừa những thành quả phát triển từ Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (2004 - 2023), Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (2011 - 2023), hiện Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi là đơn vị nghiên cứu khu vực học có quy mô lớn nhất của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cả về phạm vi, đối tượng nghiên cứu và nguồn nhân lực với hơn 50 viên chức và người lao động.

Ngày 05/07, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS) chính thức tổ chức lễ ra mắt trước sự chứng kiến của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện cơ quan ngoại giao các quốc gia châu Á và châu Phi tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 Ra mắt Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi. Ảnh: HT

Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS) được thành lập từ sự hợp nhất giữa Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông và Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á theo Nghị định 108/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ và Đề án hợp nhất được phê duyệt tại Quyết định 1587/QĐ-KHXH ngày 22/11/2023 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Viện có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về kinh tế - phát triển, chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội, khoa học - giáo dục… , và thực hiện hoạt động tư vấn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chính sách đối với khu vực Nam Á, Tây Á và châu Phi, bao gồm hơn 80 quốc gia với dân số trên 3 tỷ người. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác và tầm ảnh hưởng của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực này cũng như trên thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh yêu cầu đặt ra ngày càng cao trong nghiên cứu, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy, phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu.

 TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: HT

Cụ thể, khẳng định hơn nữa vị thế của Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi. Bên cạnh hoạt động nghiên cứu cơ bản, Viện cần chú trọng nghiên cứu các vấn đề mới, nổi bật, mô hình phát triển đặc thù để nhận diện, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển trong khu vực, qua đó kịp thời tham mưu, cung cấp luận cứ khoa học trong hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Nam Á, Tây Á và châu Phi.

Cùng với đó, TS Phan Chí Hiếu đề nghị tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ nghiên cứu viên của Viện. Chú trọng, đào tạo chuyên gia, đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới; Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để vừa củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mối quan hệ hiện có, vừa phát triển các quan hệ hợp tác để tranh thủ mọi nguồn lực, kinh nghiệm, kiến thức của bạn bè quốc tế phục vụ hoạt động của Viện.

Đồng thời, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu rõ, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tiếp tục tăng cường sự đoàn kết nhất trí; xây dựng môi trường học thuật liêm chính.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: HT 

Ngay sau Lễ ra mắt, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển hệ sinh thái Halal: Chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trên thế giới và Việt Nam”.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi về các cơ hội đối với Việt Nam trong việc khai mở xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư và du khách Hồi giáo, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với 57 quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) và các quốc gia khác trên thế giới; đánh giá khả năng tiếp cận thị trường Halal trên bình diện toàn cầu đảm bảo hiệu quả, bền vững.

Tại Hội thảo, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi về kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ sinh thái Halal của một số nước trên thế giới; phân tích và chỉ ra những khó khăn và thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái Halal ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu đã đề xuất các nhóm giải pháp từ phía Nhà nước như: Hoàn thiện hệ thống pháp lý thúc đẩy phát triển các sản phẩm Halal; xây dựng các chính sách giúp ngành công nghiệp Halal Việt Nam đủ nội lực về tài chính, công nghệ và sức cạnh tranh về mẫu mã sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm, tạo thuận lợi có được giấy chứng nhận Halal.../.

HT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN