Từ nay đến năm 2020, dự kiến sẽ chi gần 30 nghìn tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững
(ĐCSVN) - Đó là một trong những nội dung quan trọng được nhắc đến trong Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Nghị quyết được thông qua với mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách làm cơ sở đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư. Đồng thời, ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng; các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Theo Nghị quyết, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương 1.120.000 tỷ đồng, gồm vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng, trong đó phát hành 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (bao gồm 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 chuyển sang), tiền bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250.000 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng. Về các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia, dự kiến bố trí 72.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là 43.119 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là 29.698 tỷ đồng. Bố trí 5.000 tỷ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Bố trí 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và mức vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 cụ thể cho từng dự án quan trọng quốc gia sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công. Đối với nguồn vốn trong nước, không bao gồm vốn trái phiếu chính phủ, việc bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: Bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, không bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản nợ đọng phát sinh sau ngày 31/12/2014; bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP); bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020; sau khi bố trí đủ vốn theo thứ tự ưu tiên nêu trên, trường hợp còn vốn sẽ xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới. Đối với nguồn vốn trái phiếu chính phủ, việc phân bổ vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: Bố trí đủ phần vốn trái phiếu chính phủ còn thiếu trong tổng mức đầu tư của các dự án, công trình quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi theo đúng quy định tại Phụ lục số 3 của Nghị quyết số 726/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Dự án Di dân tái định cư thủy điện Sơn La; sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án trên, xem xét, bố trí vốn cho các dự án mới, thực sự cấp bách thuộc ngành y tế, giao thông, thủy lợi; chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa./.
Ảnh: Đình Nam (quochoi.vn)