Cần xác định tiêu chí hợp lý hơn trong việc điều tra, nhận dạng nhanh hộ nghèo
(ĐCSVN) – Tiêu chí đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã được Chính phủ ban hành cách đây hơn một năm thay thế cho chuẩn nghèo đơn chiều cũ. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Nhưng quá trình thực hiện đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.
Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020” đã xác định các tiêu chí như sau:
Thứ nhất, tiêu chí về thu nhập: Người nghèo là những người có mức thu nhập bằng hoặc dưới 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị; người cận nghèo là những người có mức thu nhập bằng hoặc dưới 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Thứ hai, tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản: a) Các dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ): y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin; b) Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Căn cứ Quyết định 59 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ban hành Thông tư số 17/2016/TT- LĐTBXH, ngày 28/6/2016 “Hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020”. Hiện nay, các địa phương trong cả nước đang tiến hành rà soát, nhận dạng, phân tích, đánh giá lại tình hình hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc sử dụng Phiếu nhận dạng nhanh hộ gia đình (Phiếu A của Phụ lục số 3a) và Phiếu rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo (Phiếu B của Phụ lục số 3b) ban hành kèm theo Thông tư 17 của Bộ LĐ-TB&XH đang gây một số khó khăn cho cơ sở trong việc nhận dạng nhanh, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Thông tư 17 hướng dẫn: Sử dụng Phiếu A của Phụ lục số 3a để nhận dạng nhanh hộ gia đình. Nếu hộ gia đình nào có từ 02 tiêu chí trở xuống thì đưa vào danh sách hộ có khả năng nghèo, cận nghèo.
Phiếu nhận dạng nhanh hộ gia đình được thiết kế 9 cột ứng với từng tiêu chí để nhận dạng và cột E ghi rõ “Kết quả dánh dấu X vào hộ có dưới 3 chỉ tiêu và điều tra phiếu B”. Chính những chi tiết này đã phần nào gây khó khăn cho cơ sở. Cột số 1 ghi “Có ô tô/xe máy/xe điện/tàu/ghe thuyền có động cơ”; cột số 2 ghi “Có điều hòa/tủ lạnh”; cột số 3 ghi “Có bình tắm nước nóng”. Dưới cơ sở, khi cán bộ đến điều tra hộ gia đình, chỉ cần thấy có những vật dụng như đã ghi ở cột 1, 2, 3, mà không cần biết nó giá trị bao nhiêu hay còn giá trị sử dụng không, thì đã xác định ngay đó không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, nhiều cán bộ điều tra viên ở cơ sở đã phản ánh, trên thực tế, có hộ gia đình mặc dù rất nghèo, song vì có người già và trẻ nhỏ nên cố gắng sắm được một cái bình nóng lạnh rất cũ (nhưng vẫn còn sử dụng được và hầu như không có giá trị về tiền). Mặc dù vậy, theo hướng dẫn, cứ có bình tắm nóng lạnh thì hộ đó được coi đã thoát nghèo. Trong khi những hộ có điều kiện hơn, hoặc đã thoát nghèo, trong nhà toàn người lớn khỏe mạnh, không có nhu cầu sắm bình tắm nóng lạnh mà tự đun nước nóng cho tiết kiệm, nhưng vì không thấy có bình tắm nóng lạnh nên hộ đó vẫn có nguy cơ bị tính thành hộ nghèo, hộ cận nghèo… Tình trạng hộ gia đình có điều hòa, tủ lạnh; có xe ô tô, xe máy, xe điện, ghe thuyền có động cơ cũng tương tự.
Thông tư 17 của Bộ LĐ-TB&XH cũng hướng dẫn: Với những hộ đã được xác định là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì chuyển sang Phiếu rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo (Phiếu B của Phụ lục số 3b).
Phiếu này cũng được thiết kế riêng cho 7 vùng, miền khác nhau trong cả nước. Phiếu này chia làm 2 phần: Nhóm chỉ tiêu ước tính thu nhập hộ và nhóm là chỉ tiêu về các nhu cầu xã hội cơ bản. Phiếu này có 17 đầu mục với 61 tiểu mục để khảo sát, đánh giá, chấm điểm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều cán bộ điều tra viên ở cơ sở đã phản ánh việc xác định khung đánh giá ở một số tiểu mục chưa hợp lý, ngay cả người dân khi được khảo sát cũng không hoàn toàn đồng tình. Chẳng hạn, về đất ở: từ 20-<30m2/đầu người được chấm 10 điểm; từ 30-<40m2/đầu người được chấm 15 điểm; >=40m2/đầu người được chấm 35 điểm. Tuy rằng cùng là nông thôn miền núi, nhưng vị trí đất khác nhau, mục đích sử dụng đất và giá trị sử dụng khác nhau, dẫn đến thu nhập khác nhau. Điều đó có nghĩa là nếu dưới 20m2 đất ở/đầu người được coi là một trong những dấu hiệu của hộ nghèo, cận nghèo. Nhưng trong trường hợp hộ gia đình có vị trí ở mặt đường trung tâm xã, thôn, xóm, thì chỉ cần dưới 20m2/đầu người vẫn có thể làm ăn buôn bán được, chứ không hẳn là hộ nghèo; trong khi dù có 30m2/đầu người ở vị trí chân núi hoặc trên núi thì vẫn có thể là hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đành rằng để nhận dạng và xác định được là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay hộ đã thoát nghèo không chỉ dựa vào những tiêu chí như vừa ví dụ ở trên, mà căn cứ tổng điểm trên cơ sở đánh giá, chấm điểm cụ thể theo từng tiêu chí, từng đầu mục, từng tiểu mục. Việc chia thành nhiều mục tương ứng với các nhóm chỉ tiêu về thu nhập hộ và chỉ tiêu về những nhu cầu xã hội cơ bản chính là cụ thể hóa phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhưng nếu việc xây dựng các tiêu chí đánh giá một cách khá chung chung, thiếu sát thực sẽ gây khó cho công tác nhận dạng, rà sát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Hầu hết cán bộ điều tra viên ở cơ sở bây giờ đều mong muốn cần có thêm những tiêu chí đánh giá về giá trị và giá trị sử dụng đối với một số loại tài sản thiết yếu. Chẳng hạn cùng là cái xe máy, nhưng cái xe máy mới mua phải được đánh giá cao hơn cái xe máy đã quá cũ, có khi chỉ sử dụng được một vài tháng nữa là trở thành sắt vụn. Bởi nếu cái xe máy đó đang là công cụ tạo thu nhập cho gia đình được cho là đã thoát nghèo, nhưng vì đã quá cũ nên chỉ tháng sau sẽ không còn sử dụng được, vậy là gia đình đó lại có nguy cơ tái nghèo.
Mặt khác, việc thiếu rõ ràng trong tiêu chí đánh giá và chấm điểm cũng dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng để tạo lợi ích nhóm, ưu ái cho người quen, người thân “được làm hộ nghèo” nhằm hưởng lợi chính sách của Nhà nước về hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Đây là một trong những biểu hiện của tình trạng “tham nhũng chính sách” đã từng xảy ra ở nhiều địa phương.
Trước đây, việc bình xét hộ nghèo thông qua họp thôn đã được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, có thực tế là không phải ở đâu cũng làm nghiêm túc như vậy. Đã từng xảy ra rất nhiều câu chuyện bi hài và khuất tất trong việc lãnh đạo thôn, hay người có chức quyền, có ảnh hưởng trong dòng tộc can thiệp làm thay đổi kết quả bỏ phiếu để người nhà mình, người thân quen của mình được “làm hộ nghèo”.
Trong Thông tư 17 của Bộ LĐ-TB&XH lần này đã hướng dẫn rất rõ: Sau khi rà soát, lập danh sách phân loại hộ nghèo thì tiến hành họp dân thống nhất kết quả rà soát. Thành phần tham gia họp gồm đại diện chính quyền, các hội, đoàn thể, cán bộ chuyên trách giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn (chủ trì cuộc họp), Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng các hội, Bí thư Đoàn Thanh niên thôn và đại diện một số hộ gia đình được các hộ dân trong thôn cử làm đại diện tham dự cuộc họp. Nội dung cuộc họp: Lấy ý kiến người dân để thống nhất kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn (chủ yếu tập trung vào hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh; hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo).
Quy định, hướng dẫn thì rất chặt chẽ, cụ thể như vậy, nhưng nếu việc xác định các tiêu chí đánh giá chưa thật sự khoa học, hợp lý, cộng với tâm lý “trông chờ, ỷ lại”, tâm lý không muốn thoát nghèo, tâm lý giành phần có lợi về cho bản thân, cho gia đình, người thân, dòng họ vẫn còn khá nặng nề thì công tác xóa đói giảm nghèo vẫn khó mà thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới./.