Tín dụng chính sách góp phần hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo
(ĐCSVN) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững”, qua đó tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến những kết quả thực hiện hoạt động tín dụng chính sách của ngành Ngân hàng thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc và định hướng hoạt động thời gian tới.
Theo các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm, ngành Ngân hàng nói chung và Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) nói riêng trong thời gian qua đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
NHNN cũng đã xây dựng và triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng thương mại cùng với dòng vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn này. Điển hình như NHNN đã trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai các chương trình chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra, hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, chính sách phát triển thủy sản, chương trình tái canh cà phê, chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch nhằm đáp ứng được yêu cầu về đầu tư tín dụng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực thực hiện huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB) cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số…
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH luôn có sự tăng trưởng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 25,82%. Sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn..., đóng góp quan trọng để thực hiện được các mục tiêu đặt ra tại Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời kỳ 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%, thời kỳ 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%, thời kỳ 2011 - 2015 từ 14,2% xuống còn 4,25%.
Tính đến cuối tháng 9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là 13.944 tỷ đồng, với gần 457 nghìn đối tượng đang dư nợ.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách, NHNN sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ NHCSXH thông qua một số nhiệm vụ như: tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Quyết định 401/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ngân hàng; đẩy mạnh thực hiện công tác an sinh xã hội; tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi;…
Tại buổi tọa đàm, đại diện các đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách cũng có cơ hội được chia sẻ những câu chuyện thực tế, những trải nghiệm khi được tiếp cận nguồn vốn chính sách và ý nghĩa sâu sắc của đồng vốn tín dụng chính sách đối với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững./.