Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai, 26/11/2018 09:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Hiện nay, nhiều địa phương của Hà Tĩnh đang được du khách mệnh danh là “nơi đáng sống”. Điều đó có được là từ kết quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới đang thực hiện thành công ở Hà Tĩnh. Để có được kết quả như vậy, Hà Tĩnh đã phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo của cả hệ thống chính trị ở cơ sở cùng chung tay với người dân xây dựng nông thôn mới.

“Tiêu chí thứ 20” giúp Hà Tĩnh tạo ra sự khác biệt

Cách đây gần 10 năm, ngày 16/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gồm 19 tiêu chí. Bộ tiêu chí này là căn cứ để xây dựng nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kiểm tra, đánh giá công nhận xã, huyện, tỉnh đạt nông thôn mới.

Nhiều khu dân cư của Hà Tĩnh đã trở thành vùng quê “trù phú - an lành”, “nơi đáng sống” - Ảnh: Trần Quỳnh

Sau gần 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới với bộ 19 tiêu chí quốc gia, từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, điều kiện còn nhiều khó khăn (đầu năm 2011, bình quân chỉ mới đạt 3,5 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 10 tiêu chí và có đến 183 xã đạt dưới 5 tiêu chí); nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của nhân dân, đến nay, bình quân các xã trong tỉnh Hà Tĩnh đều đạt ít nhất 14,5 tiêu chí; không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí; đã có 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 53,7% tổng số xã), thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 28 triệu đồng/năm. Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 xã miền núi, biên giới (xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn) đạt chuẩn nông thôn mới; là một trong những tỉnh đầu tiên có 100% xã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình triển khai Quyết định 491/QĐ-TTg, bắt đầu từ năm 2012, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành thêm tiêu chí thứ 20. Đây thực chất là một Bộ tiêu chí riêng của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có 10 tiêu chí về “Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, gọi ngắn gọn là “Khu dân cư kiểu mẫu”; và 5 tiêu chí về “Xây dựng vườn nông thôn mới”, gọi ngắn gọn là “Vườn kiểu mẫu”.

Theo số liệu mới nhất, đến hết tháng 6 năm 2018, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 8.000 hộ triển khai xây dựng “Vườn kiểu mẫu” (trong đó, 2.405 vườn đã đạt chuẩn); trên 1.620/1.826 thôn triển khai xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu” (trong đó, 230 thôn đã đạt chuẩn). Nhiều khu dân cư đã trở thành vùng quê “trù phú - an lành”, “nơi đáng sống”, trở thành điểm tham quan gắn với du lịch trải nghiệm hấp dẫn, góp phần tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Hiện nay, bên cạnh những “Khu dân cư kiểu mẫu” tiêu biểu Yên Mỹ, Nam Trà, thì ở nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện thêm nhiều mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu”, “Vườn kiểu mẫu” rất thành công như: thôn Thành Tiến, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân; thôn Châu Trinh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ; thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà...

Cả hệ thống chính trị cùng chung tay với người dân xây dựng nông thôn mới

Nói về bí quyết xây dựng thành công “Khu dân cư kiểu mẫu”, đồng chí Nguyễn Thị Dẫn, Bí thư Chi bộ thôn Yên Mỹ, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Bài học lớn nhất là biết khơi dậy sức dân, trí tuệ và sự chủ động, sáng tạo của người dân; lấy cán bộ, đảng viên làm nòng cốt, lấy người dân làm trung tâm, tuyên truyền cho dân hiểu mục đích xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong quá trình thực hiện, nhân dân luôn là chủ thể hành động quyết định đến thành công của chương trình”.

Vườn cam nhà ông Nguyễn Bá Chữ mỗi vụ cho thu nhập hơn 80 triệu đồng - Ảnh: Trần Quỳnh

Ông Nguyễn Bá Chữ, là một trong những người cao tuổi ở thôn Yên Mỹ, sau khi lĩnh hội được đầy đủ chủ trương của xã, của thôn về xây dựng thôn Yên Mỹ thành “Khu dân cư kiểu mẫu”, ông đã tiếp tục tuyên truyền, vận động tới toàn thể con cháu trong nhà và bà con hàng xóm tích cực ủng hộ. Dù đã 80 tuổi, nhưng bản thân ông luôn chủ động, gương mẫu chấp hành và tiên phong thực hiện từ những việc nhỏ nhất như cắt tỉa hàng rào theo đúng tiêu chuẩn, rọn dẹp sân vườn, sắp xếp nhà cửa gọn gàng, bảo ban con cháu tuyệt đối không xả rác bừa bãi, sử dụng phân bón an toàn cho cây trồng… Nhà ông Chữ trồng 60 gốc cam, nhờ thực hiện theo đúng tiêu chuẩn “Vườn kiểu mẫu” nên năng suất cao, sản phẩm sạch, an toàn, mỗi vụ cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng.

Hay ở thôn Nam Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây vốn là vùng miền núi, giáp với dãy Trường Sơn, quanh năm gió Lào nắng cháy; nhưng từ khi xây dựng thành “Khu dân cư kiểu mẫu” và “Vườn kiểu mẫu” thì nơi đây đã trở thành “máy điều hòa khổng lồ” xua tan bớt cái nắng cháy, nóng nực đặc trưng của miền Trung.

Chia sẻ về kinh nghiệm thành công, đồng chí Đinh Phúc Tâm, Bí thư Chi bộ thôn Nam Trà cho biết: “Muốn xây dựng được nông thôn mới, việc đầu tiên phải xây dựng con người mới, đàng hoàng, chững chạc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh. Vì vậy, khi vận động các hộ dân vào cuộc, Chi bộ thôn đã đề nghị chính quyền, đoàn thể và toàn thể nhân dân bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.

Nhận thức được điều đó, tại thôn Nam Trà, những bậc ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi, cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu đi đầu để mọi người noi theo. Bắt đầu thay đổi từ những việc nhỏ nhất như đôi guốc, đôi dép khi không đi thì phải đặt mũi quay ra ngoài hoặc vào trong sao cho thống nhất, sạch đẹp; quần áo của từng hộ gia đình khi không dùng nữa thì để theo nhóm đối tượng ông bà già, trẻ con, thanh niên, phụ nữ… không để lộn xộn, trông mất mỹ quan. Củi đun cũng vậy, cành nào nhỏ, cần dùng trước thì bỏ ra ngoài để dễ lấy; cành nào to, tươi, chưa dùng đến thì không phơi ra sân, ra đường, mà buộc chặt xếp gọn vào trong để không gây hỏa hoạn, không ảnh hưởng đến người dân, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan thôn xóm. Hiện nay, thôn Nam Trà đã bỏ hoàn toàn 15.000m bờ tường, cổng ngõ xây dựng kiên cố, mà thay vào đó bằng bờ rào, cổng vòm từ cây xanh, được các gia đình chăm sóc, cắt tỉa thống nhất, tạo không gian xanh, sạch, đẹp.

“Tạo sự thống nhất trong hành động” luôn là câu được cấp ủy, chính quyền từ thôn, xã, huyện, đến tỉnh Hà Tĩnh quán triệt thường xuyên. Đồng chí Trần Hữu Duyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã chia sẻ: “Muốn tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu thì huyện phải thường xuyên, định kỳ xuống họp giao ban với xã; các xã phải thường xuyên xuống họp giao ban với thôn để rút kinh nghiệm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học tập cách làm hay giữa các địa phương. Từ cán bộ lãnh đạo huyện đến các phòng chuyên môn phải năng động, chủ động, thường xuyên bán, nắm cơ sở, xuống “3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng lao động” với người dân để kịp thời giải quyết những công việc phát sinh”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự và trao giải cho những hộ gia đình tiêu biểu xây dựng thành công vườn kiểu mẫu của tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: ĐV

Đồng chí Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh cho biết: "Việc tỉnh Hà Tĩnh hình thành thêm "tiêu chí thứ 20" trong xây dựng nông thôn mới bước đầu đã góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế vườn, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường. Đồng thời làm thay đổi gần như cơ bản bộ mặt nông thôn ở các khu dân cư từ hạ tầng đến cảnh quan môi trường. Bên cạnh việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng – xã hội, các giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục, phát huy, tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng được coi trọng; nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường nâng lên rõ rệt, bước đầu hình thành nét văn hóa cộng đồng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Các khu “Vườn kiểu mẫu” đã làm thay đổi tập quán của người dân từ sản xuất truyền thống tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, kết nối thị trường; khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng đất vườn và tận dụng được lao động nhàn rỗi. Các “Vườn kiểu mẫu” được lựa chọn, xây dựng dần trở thành mô hình tiêu biểu, không chỉ góp phần bổ sung, nâng cấp các tiêu chí mà còn tạo ra mô hình mẫu trong phương pháp, cách làm, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới".

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, được tổ chức tại tỉnh Hà Tĩnh; và Chung kết Cuộc thi khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu tỉnh Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến dự và phát biểu nhấn mạnh: “Hiện nay, Trung ương đang lấy ý kiến để ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện nông thôn mới kiểu mẫu, thì Hà Tĩnh đã làm việc này từ năm 2014. Điều này có nghĩa Hà Tĩnh đã đi trước một bước. Với cách làm đột phá, sáng tạo này, các địa phương cần tham quan, học tập nhân rộng ra toàn quốc để tiếp tục thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới, vì phong trào này có điểm khởi đầu, nhưng sẽ không có điểm kết thúc”../.

Trần Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN