Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tín dụng ngân hàng với xoá đói, giảm nghèo ở Sơn La

Thứ Bảy, 17/09/2016 10:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Là một địa phương thuộc trong vùng Tây Bắc, trong nhiều năm qua tỉnh Sơn La đã triển khai khá hiệu quả giải pháp tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng như xoá đói, giảm nghèo bền vững.

Một mô hình nuôi ong mật ở bản Suối Hiền, xã Suối Bau, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Đ.H).

Thực tế cho thấy, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, nhờ đó góp phần quan trọng thực hiện phát triển nông nghiệp nông thôn; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế tập thể.  Về huy động vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo trên địa bàn, theo số liệu của Tỉnh uỷ Sơn La, tính đến hết tháng 5/2016, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại địa phương đạt 11.557 tỷ đồng, tăng 501 tỷ đồng, tăng 4,53% so với đầu năm. Nhờ đó, hoạt động cho vay vốn phát triển kinh tế và giảm nghèo trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực. Dư nợ cho vay của các TCTD ở tỉnh Sơn La tính đến hết tháng 5/2016 là 20.666 tỷ đồng, tăng 592 tỷ đồng, tốc độ tăng 2,95% so với đầu năm.

Điểm đáng chú ý, nhờ hiệu quả đầu tư các chương trình tín dụng chính sách xã hội, nên đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Chỉ tính riêng trong năm 2015, số lao động được tạo việc làm là 2.990 lao động; 271 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; cho vay đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được 3 lao động; trong năm 2015 cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được 13.367 công trình; trong đó số công trình nước sạch được xây dựng là 6.771 công trình, số công trình vệ sinh được xây dựng là 6.596 công trình. Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng, đầu tư phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò được đẩy mạnh, với 13.215 con; 387.000 con lợn nái và lợn thịt; trồng, chăm sóc cây ăn quả và cải tạo vườn tạp được 25.915 ha; đầu tư 82.115 triệu đồng chăn nuôi gia súc gia cầm; chăn nuôi thuỷ sản 67.357 triệu đồng.

Ngoài hoạt động đầu tư phát triển kinh tế, các hoạt động an sinh xã hội của ngành ngân hàng góp phần giảm nghèo bền vững ở Sơn La cũng được chú trọng. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn; phối hợp với Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để bàn giao 3 nhà đại đoàn kết và 2 con bò giống cho mỗi hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (3 nhà đã làm xong trong năm 2015). Tổ chức 2 chuyến công tác vào xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã và làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã về phương hướng giúp đỡ, hỗ trợ năm 2016. Dự kiến năm 2016 xây dựng công trình nhà bán trú cho học sinh tiểu học xã Nậm Mằn khoảng 600 triệu đồng với sự tài trợ của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và đóng góp của công chức chi nhánh và một số đơn vị ngân hàng khác. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức bàn giao các công trình tài trợ trên địa bàn huyện Bắc Yên (ngày 19/5/2016), gồm 7 công trình (5 nhà ở cho học sinh bán trú, 1 nhà lớp học mầm non và nâng cấp 1 nhà bán trú), tổng trị giá 12,6 tỷ đồng. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng hỗ trợ khắc phục thiệt hại đợt rét đậm vào tháng 1/2016 qua Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn 300 triệu đồng…

Tuy hoạt động tín dụng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhưng nhìn chung Sơn La vẫn còn nhiều khó khăn. Trong sản xuất, các mặt hàng chưa phong phú, đa dạng, còn mang nặng tập quán, tư tưởng bao cấp do đó sản xuất vẫn mang tính tự cung, tự cấp. Sản phẩm sản xuất ra chưa có cơ sở chế biến kỹ thuật cao để sản phẩm trở thành hàng hoá có thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị sản phẩm thu nhập thấp, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ còn thiếu vốn, tài sản còn nhỏ, làng nghề truyền thống chưa được phát triển. Do đó, mức độ tăng trưởng tín dụng ưu đãi của chi nhánh Sơn La trong những năm qua còn thấp so với mức tăng trưởng bình quân của ngành.

Để hỗ trợ Sơn La phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, cần quan tâm hơn nữa đến giải pháp mở rộng và nâng cao hiệu quả vốn tín dụng ngân hàng nói chung và vốn tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội nói riêng. Mở rộng vốn tín dụng cần gắn liền với đảm bảo sức hấp thụ của vốn, đảm bảo vốn sử dụng có hiệu quả. Cần tiếp tục nâng cao trình độ dân trí cho người dân, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, phát triển giao thông, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, đảm bảo chất lượng; đổi mới kỹ thuật canh tác, hạ giá thành sản phẩm.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ưu tiên đầu tư vốn khai thác thế mạnh về cây ngô. Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng ngô vào bậc nhất của cả nước. Với tổng diện tích xấp xỉ 160.000 ha đất trồng ngô và sản lượng ngô hạt hơn 670.000 tấn, Sơn La xứng đáng với cái tên gọi là thủ phủ của ngô Việt Nam. Tuy nhiên sản lượng ngô này chỉ bằng dưới 10% sản lượng ngô cả nước nhập khẩu trong năm 2015. Như vậy, phát huy thế mạnh về cây ngô trong giảm nghèo bền vững là có tính khả thi đối với Sơn La. Bởi vì thị trường tiêu thụ ngô trong nước rất lớn và tiếp tục tăng lên. Song vấn đề đặt ra cho Sơn La là giảm giá thành sản xuất ngô. Điều này đòi hỏi một số vấn đề như có giống mới với năng suất cao và chất lượng tốt; sản xuất quy mô lớn với kỹ thật canh tác tiên tiến để hạ giá thành. Song, cũng phải bảo đảm phù hợp với địa hình, phù hợp với khả năng của người dân. Kết hợp sản xuât quy mô lớn của doanh nghiệp và quy mô gia đình, tạo việc làm cho người dân địa phương, khai thác các mảnh đất canh tác của các gia đình. Cần đa dạng các nguồn vốn đầu tư. Thực tế cho thấy, vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện tín dụng nhà nước có xu hướng chững lại, dư nợ hết năm 2015 giảm nhẹ so với năm 2014 và hầu như không tăng trong những tháng đầu năm 2016. Vì vậy, cần có biện pháp khai thông những khó khăn của địa phương để thu hút nguồn vốn này của Trung ương. Trong nguồn vốn tín dụng ngân hàng, hiện nay trên 50% vốn cho vay của các TCTD ở Sơn La là do Trung ương điều về, với số vốn khoảng 12.000 tỷ đồng (đến hết tháng 5/2016). Do vậy, vấn đề đặt ra là cần tạo nhu cầu vay vốn có hiệu quả của các thành phần kinh tế để các TCTD cho vay. Nếu các chi nhánh TCTD ở Sơn La đảm bảo dư nợ tăng có hiệu quả trên địa bàn thì chắc chắn vốn từ Trung ương, từ hội sở chính các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục được điều về.

Tiếp tục triển khai đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ thu hút vốn cho vay. Kèm theo việc thu hút vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội thì địa phương cần tạo điều kiện cho sử dụng vốn có hiệu quả, đó là cơ sở hạ tầng, giống cây trồng vật nuôi, các hoạt động khuyến nông khác. Tăng cường hơn nữa công tác khuyến nông, hỗ trợ lỹ thuật, cải tiến kỹ thuật canh tác và chăn nuôi, để mở rộng vốn cho vay và nâng cao hiệu quả vốn cho vay cũng như góp phần giảm nghèo bền vững ở Sơn La…

Đặng Hiếu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN