Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thanh Hóa: Tăng cường kiểm tra, giám sát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thứ Tư, 31/10/2018 08:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác giám định, kiểm tra, giám sát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là những trường hợp bất thường, có dấu hiệu nghi ngờ lạm dụng, lợi dụng, trục lợi quỹ BHYT, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật…

Theo BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh có hơn 3,1 triệu lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh (KCB)  tại các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh, trong đó ngoại trú hơn 2,6 triệu lượt người, nội trú 528.226 lượt người; chi phí KCB đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 2.485 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT 9 tháng năm 2018 là 3.049 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 94% dự toán được giao. Trong đó, đáng chú ý có một số cơ sở KCB đã chi hết dự toán được giao, như: Bệnh viện Phổi, Bệnh viện đa khoa các huyện: Nga Sơn, Hà Trung, Yên Định, Bệnh viện Đa khoa ACA...

Nguyên nhân vượt chi quỹ BHYT được chỉ ra là do số lượt người KCB tại tỉnh Thanh Hóa gia tăng 148.825 lượt so với cùng kỳ. Mặc dù các bệnh viện tuyến tỉnh đã triển khai và thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, tiến bộ, song chi đa tuyến đi ngoại tỉnh vẫn tăng 93 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Chi phí bình quân đợt điều trị 1 lần khám bệnh ngoại trú có giảm nhẹ so với năm 2017 nhưng vẫn cao so với bình quân chung toàn quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: TH.


Bên cạnh đó, tỷ lệ thu dung bệnh nhân vào điều trị nội trú quá cao, gấp 2 lần, một số bệnh viện gấp 3 lần so với bình quân chung toàn quốc là nguyên nhân dẫn đến chi phí tiền giường bệnh chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí KCB nội trú (34,42%; toàn quốc 26%). Chi phí bình quân chung cho đợt KCB cao hơn so với cả nước là 213.995 đồng.

Phân tích cơ cấu chi phí nội, ngoại trú cho thấy, chi phí bình quân cao là do các cơ sở KCB chỉ định rộng rãi, quá mức cần thiết; nhiều cơ sở sử dụng thuốc bổ trợ, đặc biệt là chế phẩm y học cổ truyền và vitamin chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí thuốc như: Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa 35%, Bệnh viện Đa khoa Mường Lát 34%, Phòng khám Đa khoa An Bình 42%...

BHXH tỉnh đã phát hiện nhiều trường hợp bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố cấp các thuốc chế phẩm y học cổ truyền đến các trạm y tế xã điều trị, ở nhiều đơn vị vượt quá 50% tỷ lệ sử dụng thuốc: Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn (7/8 trạm y tế có phát sinh chi phí), Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc (8/22 trạm), Trạm Y tế xã Hoằng Lưu (huyện Hoằng Hóa) có tỷ lệ sử dụng thuốc vitamin và khoáng chất chiếm 65,86% chi phí sử dụng thuốc…

Trong thời gian tới, BHXH tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác giám định, kiểm tra, giám sát chi phí KCB BHYT, nhất là những trường hợp bất thường, có dấu hiệu nghi ngờ lạm dụng, lợi dụng, trục lợi quỹ BHYT, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; cần tính toán hợp lý, khoa học để tham mưu cho tỉnh trong việc phân quỹ KCB BHYT./.

Phương Linh (th)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN