Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thạch An đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

Thứ Hai, 04/11/2024 19:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm để phục vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cùng với việc tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ, huyện  Thạch An ưu tiên công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và hình thành các công dân số. Trong triển khai thực hiện, Thạch An đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá sự hài lòng của người dân tại bộ phận “Một cửa” của huyện và của UBND xã, thị trấn, đồng thời chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đoàn kiểm tra của huyện kiểm tra công tác thực hiện cải cách hành chính tại xã Lê Lợi.

Theo báo cáo quý III, UBND huyện đã ban hành được 12 văn bản liên quan đến CCHC. 100% phiếu đánh giá khảo sát sự hài lòng của cơ quan, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước từ hài lòng trở lên. Kế hoạch CCHC năm 2024 của huyện đề ra 56 nhiệm vụ, đến nay UBND huyện đã thực hiện hoàn thành 40/56 nhiệm vụ, đạt 71,4% kế hoạch. Trong quý III, phối hợp với UBND tỉnh tổ chức 01 hội nghị trực tuyến triển khai văn bản pháp luật quý II năm 2024 tại điểm cầu cấp huyện với 26 đại biểu tham dự; cấp xã tổ chức 14 cuộc trực tuyến với 195 đại biểu tham dự, 38 cuộc trực tiếp với 2.478 đại biểu tham dự, tổ chức lồng ghép triển khai các văn bản pháp luật trong các cuộc sinh hoạt cộng đồng dân cư, sinh hoạt văn hóa. Qua quá trình rà soát về các yếu tố cấu thành, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết và các điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), các phòng chuyên môn cấp huyện đã đề xuất phương án đơn giản hóa 15 TTHC, cấp xã 58 TTHC. Tính từ ngày 05/6- 04/9, UBND cấp huyện đã giải quyết 136 thủ tục hành chính, UBND cấp xã giải quyết 1.680 thủ tục hành chính. Trong quý, UBND huyện Thạch An và UBND các xã, thị trấn không nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến quy định hành chính và hành vi hành chính; cử 51 cán bộ công chức tham gia tập huấn lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ trong thực thi công vụ. Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo theo quy định.

Ông Nông Long Giang – Phó chủ tịch UBND huyện Thạch An cho biết: “Lãnh đạo UBND huyện luôn quan tâm, tham gia đầy đủ các cuộc họp về chuyển đổi số (CĐS) do tỉnh tổ chức; rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy CĐS của huyện, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trang thông tin điện tử của huyện đã lập chuyên mục riêng về CĐS và đăng tải các tin, bài viết, tài liệu tuyên truyền về CĐS, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cung cấp đầy đủ thông tin theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng”.

Công tác CCHC được quan tâm, cơ chế “một cửa” của huyện Thạch An hoạt động có hiệu quả. 

Về công tác xây dựng chính quyền số, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo rà soát chỉnh sửa, bổ sung đảm bảo 100% cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) huyện, xã, thị trấn có tài khoản, các đơn vị và cá nhân lãnh đạo có chữ ký số để sử dụng trên hệ thống quản lý văn bản VNPT-iOffice và các hệ thống có sử dụng chữ ký số khác; yêu cầu các đơn vị trực thuộc và UBND xã, thị trấn thực hiện đảm bảo quy trình, 100% văn bản được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng, thực hiện ký số trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice (trừ văn bản mật theo quy định), đảm bảo việc ký số khi tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC đúng quy định trên hệ thống Dịch vụ công iGate của tỉnh.

Duy trì cập nhật 449 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, trong đó cấp huyện 236 thủ tục, cấp xã 142 thủ tục và số TTHC thuộc các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương 71 thủ tục. 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện và UBND các xã, thị trấn được thực hiện trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh. Trên 50% hồ sơ TTHC tiếp nhận và thụ lý qua dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình; 80% TTHC đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến một phần; thanh toán trực tuyến đạt 86,87% với 1.217 hồ sơ thanh toán trực tuyến.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, nhất là trong cải cách TTHC đã giúp cho các TTHC trên nhiều lĩnh vực ở Thạch An được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, góp phần tăng niềm tin của người dân vào sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền./.

Lê Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN