Chuyển đổi số nhằm thúc đẩy cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nghị quyết số 06-NQ/TU của tỉnh Cao Bằng về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định rõ chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu và là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cao Bằng đã có những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhiều sáng kiến, giải pháp có hiệu quả
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã tiến hành thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số, về cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã quan tâm đến chuyển đổi số nhằm nâng cao các chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng côn nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông (ICT-INDEX). Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về sự cần thiết và tính hiệu quả của ứng dụng CNTT, chuyển đổi số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng được nâng cao. Cơ quan nhà nước tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của tỉnh được đầu tư xây dựng; dữ liệu số đang từng bước được xây dựng, phát triển nhằm phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng và bà Nông Thị Thanh Huyền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cùng các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút công bố các Nền tảng Công dân số tỉnh Cao Bằng và Nông dân Việt Nam. |
Hoạt động chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin đã có những chuyển biến mạnh mẽ, các hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể dần được chuyển dịch lên trên môi trường điện tử; chữ ký số chuyên dùng đã được cấp và sử dụng hiệu quả. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp được chú trọng. Cổng, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước cung cấp cơ bản đủ các thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp theo quy định.
Bà Nông Thị Thu Huyền – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: “Sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025, tất cả nghiệp vụ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) đều được xử lý ở dạng số trên môi trường mạng. Phần lớn các nhu cầu phục vụ lao động sản xuất, đời sống của người dân được thực hiện thông qua các nền tảng công nghệ thông tin thông minh khai thác các cơ sở dữ liệu số. Cao Bằng là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội không đồng đều, cơ sở hạ tầng nhiều nơi còn chưa đáp ứng được điều kiện thực hiện chuyển đổi số (173 thôn chưa có sóng điện thoại di động, chưa có mạng internet, người dân chưa có điện thoại di động để truy cập vào mạng internet...), trình độ nhận thức của người dân về công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn chế. Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị, hạ tầng còn chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn còn thấp, còn tâm lý e ngại thay đổi môi trường kinh doanh”.
Những kết quả thiết thực
Tính đến 31/7/2024, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đang cung cấp 1.570 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần, trong đó dịch vụ công trực tuyến một phần chiếm 23,58%, dịch vụ công trực tuyến toàn trình chiếm 64,97%, 11,45% TTHC chưa được nâng lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình hay một phần. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh hoạt động ổn định kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư, các hệ thống của các Bộ ngành đảm bảo an toàn, an ninh thông tin theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phục vụ tra cứu, xác thực thông tin từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đến hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các hệ thống của các Bộ ngành.
Lực lượng công an tỉnh Cao Bằng thực hiện cấp CCCD gắn chíp và cài đặt, kích hoạt định danh điện tử cho công dân. |
Trong đó, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 71,55%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 48,29%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 42,35%; tỷ lệ hồ sơ kết quả điện tử đạt 68,99%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 68,5%.
Về kinh tế số và xã hội số, tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh lũy kế đến thời điểm hiện tại là 1472 doanh nghiệp. Số lượng hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang trong 7 tháng đầu năm 2024 tăng 6169 hộ (4,22%), lũy kế đến thời điểm hiện tại 74.068 hộ (50,72%). Tổng số doanh nghiệp nộp thuế điện tử lũy kế đến thời điểm hiện tại 1462 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử lũy kế đến thời điểm hiện tại là 1420 doanh nghiệp. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đến thời điểm hiện tại đạt 72,5%; Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh trong 7 tháng đầu năm 2024 tăng 67,437 thuê bao, lũy kế đến thời điểm hiện tại 483.980 thuê bao (71,01%); Tổng số lượt người dân sử dụng dịch vụ mobile money tăng trong 7 tháng đầu năm 2024 là 5735 tài khoản, lũy kế đến thời điểm hiện tại 45.474 tài khoản. Tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 98%.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Viễn thông Cao Bằng đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Bộ TT&TT tiến hành đánh giá an toàn thông tin Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh để có thể triển khai kết nối chính thức Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID). Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống giám sát an toàn thông tin (SOC), phòng chống mã độc đã ghi nhận 1427 cảnh báo vào các hệ thống máy chủ tại Trung tâm dữ liệu. Trong đó, có tổng số 1379 máy tính cài đặt mã độc tại 30 đơn vị, từ đầu năm đến nay số lượng máy tính bị nhiễm mã độc là 893 máy tính. Tại Trung tâm dữ liệu, số lượng cảnh báo là 1819 (nghiêm trọng: 67, cao: 393, trung bình: 1359).
Phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với chuyển đổi số” được các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm chú trọng, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về nhận thức và trách nhiệm việc thực hiện CCHC, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Kết quả thực hiện Phong trào thi đua năm 2024 đã tạo động lực tích cực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội./.