Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi nguồn để du lịch vùng Đông Bắc phát triển

Chủ Nhật, 03/11/2024 17:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN)- Trong khuôn khổ các hoạt động Ngày hội văn hóa Đông Bắc Lạng Sơn 2024, ngày 3/11, tại Thành phố Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội thảo Khoa học “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - khơi nguồn và phát triển”.

 Toàn cảnh Hội thảo

Dự hội thảo có đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức ngày hội, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn; đại diện lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, du lịch; Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 8 tỉnh vùng Đông Bắc gồm: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.

Hội thảo nhằm đánh giá kết quả đã làm được, những hạn chế còn tồn tại, đồng thời đề ra những giải pháp để du lịch Đông Bắc phát triển đột phá trong những năm tới.

 Đồng chí Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội thảo.

Đánh giá về tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch ở các tỉnh Đông Bắc, đồng chí Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn cho biết: Vùng Đông Bắc bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang. Các tỉnh này có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa lịch sử - cách mạng, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng... Đây là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời với các phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc.

Nơi đây cũng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những địa danh nổi tiếng như Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn; hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang), Tây Yên Tử (Bắc Giang)… đã được đánh giá là các điểm đến thú vị, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong nước, quốc tế.

Bên cạnh đó, Vùng Đông Bắc còn có giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, gắn với các di tích lịch sử, cách mạng như An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên); Chợ Đồn (Bắc Kạn); Tân Trào (Tuyên Quang); quần thể di tích lịch sử Pác Bó, cụm di tích Bác Hồ với chiến dịch biên giới 1950, khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng); căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn)... Ngoài ra, khách du lịch đến nơi đây có thể tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng địa phương, tìm hiểu phong tục tập quán, thưởng thức các món ăn truyền thống, các làn điệu âm nhạc dân gian, những điệu múa đặc trưng của các bản làng dân tộc thiểu số... kết hợp việc tham quan các thắng cảnh, di tích lịch sử, trải nghiệm cuộc sống trong các bản làng dân tộc, các phiên chợ vùng cao, đồng thời mua sắm các loại đặc sản địa phương...

Với những giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch, trong thời gian qua, với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và xây dựng sản phẩm du lịch nói riêng đã được triển khai, hoạt động du lịch ở các tỉnh vùng Đông Bắc đã có nhiều khởi sắc. Hiện nay, trên địa bàn toàn vùng đã hình thành một số khu, điểm du lịch với các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đặc biệt là các khu du lịch quốc gia, đó là: Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, Khu du lịch quốc gia Tân Trào, Khu du lịch quốc gia hồ Ba Bể, Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn… Sự phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Đông Bắc đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, tạo việc làm và sinh kế cho cộng đồng; đồng thời góp phần phát triển du lịch cả nước.

Tuy nhiên các hoạt động phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Đông Bắc trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; sự đóng góp của du lịch trong cơ cấu kinh tế địa phương còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Việc khai thác các giá trị tài nguyên đặc trưng để xây dựng sản phẩm du lịch còn thiếu tầm nhìn tổng thể nên các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, kém hấp dẫn, chưa phát triển rõ nét các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu của mỗi địa phương và toàn vùng.

Mặt khác, công tác xây dựng sản phẩm du lịch chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức, các sản phẩm du lịch chưa dựa trên nhu cầu của khách du lịch nên chưa thực sự hấp dẫn. Chính vì vậy, việc xây dựng định hướng phát triển và hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh vùng Đông Bắc trong thời gian tới là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu du lịch và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế của du lịch mỗi địa phương trong vùng.

 Đại biểu tham dự hội thảo

Tại Hội thảo, nhiều nội dung được đưa ra như: Vùng Đông Bắc cần tăng cường xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản; xây dựng và thực hiện chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp để tạo bứt phá phát triển du lịch,... Các đại biểu tham dự đều cho rằng, vùng Đông Bắc sở hữu cảnh quan thiên nhiên đa dạng, kỳ vĩ, giúp nhiều địa phương trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn. Khu vực này cũng là nơi tập trung sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc ít người mang các sắc màu văn hoá khác nhau, đa dạng về bản sắc và cá tính độc đáo.

Đặc biệt, vùng có một hệ thống di tích lịch sử cách mạng và là nơi tập trung sinh sống của các dân tộc thiểu số với một kho tàng văn hoá đặc sắc có thể liên kết tạo chuỗi giá trị chung cho toàn vùng. Vì vậy, việc phát triển các chương trình, sản phẩm du lịch địa phương vừa mang tính đặc thù, vừa mang tính liên kết gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá là một vấn đề quan trọng nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển du lịch trong hiện tại và tương lai ở mỗi địa phương, cũng như toàn vùng Đông Bắc.

Tuy nhiên, hiện phần lớn các địa phương trong vùng còn gặp nhiều thách thức trong việc xây dựng sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm đặc thù nói riêng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hoá của địa phương. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch văn hoá chưa được đầu tư đúng tầm dẫn đến chất lượng sản phẩm du lịch thiếu sức hút. Nhiều chương trình du lịch văn hoá còn đơn điệu và trùng lặp, dịch vụ du lịch chất lượng thấp, ít hấp dẫn...

Từ thực tế trên, đại diện các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, doanh nghiệp làm du lịch cho rằng, các tỉnh trong vùng Đông Bắc cần có cơ chế chính sách trong bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên du lịch văn hóa; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch có tính khả thi nhằm kêu gọi các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Đặc biệt, các địa phương phải liên kết trong phát triển du lịch văn hóa, xây dựng sản phẩm đặc trưng để không bị trùng lặp, có chất lượng cao, tạo thế cạnh tranh và tạo thương hiệu cho toàn vùng,... Những ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà khoa học là cơ sở quan trọng để các tỉnh trong vùng Đông Bắc nghiên cứu, phát huy tiềm năng, lợi thể để phát triển du lịch./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN