Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cao Bằng: Đạt nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số

Thứ Sáu, 01/11/2024 15:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sáng 31/10, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị công bố các Nền tảng Công dân số tỉnh Cao Bằng và Nông dân Việt Nam. Tại đây, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả tích cực đã đạt được.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng – Trưởng ban Chuyển đổi số đánh giá đây là sự kiện quan trọng, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Qua đó, tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, làm cho doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng các kết quả của chuyển đổi số mang lại.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, công tác chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn đang được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, tạo nên những bước tiến đột phá. Tỉnh Cao Bằng đã rất khẩn trương quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và ban hành đồng bộ các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh. Xác định lộ trình chuyển đổi số rõ ràng, hiệu quả, khả thi cho từng năm và cả giai đoạn đến năm 2030.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng và bà Nông Thị Thanh Huyền, Giám đốc Sở TTTT tỉnh cùng các đại biểu tại sự kiện. 

Nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh về CĐS đã có sự chuyển biến rất tích cực. Các trụ cột về CĐS: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo an toàn thông tin mạng được quan tâm đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, bám sát tình hình thực tế và nội dung Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 23/01/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2024, tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đối với 09 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện và 57 nhiệm vụ cụ thể. Nhìn chung, cơ bản các nhiệm vụ đều thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra.

Theo báo cáo triển khai Đề án 06 của tỉnh Cao Bằng, nhóm Công dân số được UBND tỉnh chỉ đạo yêu cầu sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến căn cước công dân (CCCD), định danh điện tử (ĐDĐT); thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu nhận hồ sơ cấp CCCD. Công an các địa phương tập trung nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD trên địa bàn, tiến hành đối chiếu, xác minh thông tin công dân qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua tàng thư hồ sơ cư trú, tàng thư CCCD đảm bảo hồ sơ đã thu nhận đầy đủ, chính xác, đúng quy định và có hiệu quả. Tính đến ngày 12/7/2024 trên địa bàn tỉnh đã thu nhận được 497.506 hồ sơ CCCD (trong đó, từ ngày 15/6/2024 đến ngày 12/7/2024, toàn tỉnh đã thu nhận 3.205 hồ sơ).

Ngoài ra, công tác cấp tài khoản định danh điện tử UBND tỉnh đã ban hành văn bản tăng cường triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, trong đó đẩy mạnh công tác thu nhận, kích hoạt tải khoản định danh điện tử. Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 392.331 tài khoản định danh diện tử, kích hoạt được 291.653/392.331 tài khoản định danh điện tử đạt tỷ lệ 74,3% (trong đó, từ ngày 13/6/2024 đến ngày 12/7/2024, toàn tỉnh đã thu nhận 4.083 tài khoản Định danh điện tử, kích hoạt được 2.375 tài khoản định danh điện tử).

 Cao Bằng quyết tâm tập trung phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử và chính phủ số.
 
Bà Nông Thị Thanh Huyền – Giám đốc SởThông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Nền tảng Công dân số Cao Bằng là một hệ sinh thái công nghệ số toàn diện, giúp công dân tương tác với chính quyền, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, và tham gia vào các hoạt động xã hội một cách hiệu quả. Nền tảng ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn và bảo mật cao, nhằm đảm bảo an toàn thông tin và cung cấp trải nghiệm tối ưu cho người dùng, giúp người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu các tiện ích cơ bản như: Thủ tục hành chính, nộp hồ sơ, tra cứu hồ sơ, thủ tục trực tuyến, tra cứu thông tin đất đai, thửa đất quy hoạch tại tỉnh và tương tác với hệ thống nền tảng khác, thực hiện mua hàng trên các sàn thương mại điện tử… thực hiện phản ánh kiến nghị người dân và chính quyền, kết nối người dân và chính quyền tương tác trên môi trường số. 
 
Tiến tới hình thành nên một nền tảng số thống nhất phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Thông qua nền tảng, người dân và doanh nghiệp có thể tương tác với chính quyền, cùng chính quyền xây dựng và phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; cung cấp công cụ cho cán bộ, công chức trong việc điều hành, xử lý và hỗ trợ các yêu cầu, phản ánh của người dân đến với cơ quan nhà nước, đảm bảo các phản ánh của người dân được gửi đến cơ quan nhà được được điều hành xử lý nhanh chóng, minh bạch và công khai đến với người dân.
 
Có thể thấy, Đề án 06 của Chính phủ cũng đã được triển khai sâu rộng tại tỉnh Cao Bằng, với nhiều kết quả nổi bật: Tổng cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) đã trang bị đầu đọc CCCD gắn chip là 181/181 (đạt 100%). Trong đó cơ sở KCB BHYT công lập tuyến tỉnh 02/02 (đạt 100%), tuyến huyện 15/15 (đạt 100%), tuyến xã 160/160 (đạt 100%); Cơ sở KCB BHYT tư nhân 4/4 (đạt 100%). Tính từ 14/6/2024 đến 14/7/2024, tỷ lệ sử dụng CCCD gắn chip khi đến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập là 23.193/39.014, đạt 59,4% tổng lượt khám và điều trị.
 
Với quyết tâm cao và những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, Cao Bằng đang từng bước khẳng định vị thế trong lĩnh vực CĐS. CĐS đang trở thành động lực quan trọng để Cao Bằng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, hướng đến mục tiêu thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững./.
Lê Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN