Tạm ước 14/9 - “nhịp nghỉ” cân thiết của Cách mạng Việt Nam
(ĐCSVN) - Tạm ước 14/9/1946 là một giải pháp chính trị linh hoạt, tài tình nhằm bảo vệ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, đồng thời cũng là “nhịp nghỉ” cần thiết, có lợi cho cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Fontainebleau ở Pháp vào ngày 6/7/1946 (ảnh tư liệu). |
Tháng 8/1945 Việt Nam giành lại độc lập từ tay phát xít Nhật. Không cam chịu thực tế này, quân Pháp sau đó núp bóng quân Anh quay trở lại miền Nam Việt Nam với mưu đồ tái lập chế độ thực dân lỗi thời của họ trên toàn đất nước Việt Nam, khôi phục lại các lợi ích đã mất.
Sự trở lại của người Pháp không dễ dàng. Ngay từ đầu họ vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân Nam Bộ. Ở miền Bắc Việt Nam, Pháp lo ngại vấp phải sự kháng cự còn mạnh hơn thế nữa của quân và dân ta, đồng thời cũng rất “ngán” một đối thủ khá rắn là quân đội Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, vào Việt Nam dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật theo quyết định của Hội nghị Postdam tháng 7/1945.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp ngày 6/3/1946 chấp nhận cho 15.000 quân Pháp ra miền Bắc trong thời hạn 5 năm, thay thế 180.000 quân Tưởng Giới Thạch.
Tuy nhiên sau khi ký kết, phía Pháp luôn trì hoãn thi hành Hiệp định này, thậm chí thường xuyên vi phạm Hiệp định. Bởi Pháp vẫn muốn chia cắt đất nước ta, nên tiếp tục có các hành động quân sự nhằm tái chiếm Đông Dương. Đây cũng là lý do Chính phủ ta phải tiếp tục dùng biện pháp ngoại giao thông qua Hội nghị Fontainebleau, từ ngày 6/7 đến 10/9/1946. Hai bên thảo luận về: vấn đề Việt Nam gia nhập Liên hiệp Pháp; xây dựng Liên bang Đông Dương; việc thống nhất ba kỳ và cuộc trưng cầu dân ý về Nam kỳ... Tuy nhiên, Hội nghị không thành công vì phái đoàn Pháp vẫn ngoan cố với lập trường thực dân; trong thời gian đàm phán, Pháp còn ráo riết thực hiện âm mưu mở rộng chiếm đóng ở nước ta, liên tiếp vi phạm Hiệp định Sơ bộ…
Trong khi đó, tình hình tại Việt Nam ngày càng căng thẳng, nguy cơ nổ ra xung đột ngày càng rõ rệt. Để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến, làm cho nhân dân Pháp, nhân dân thế giới hiểu rõ thiện chí hòa bình của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định nán lại nước Pháp thêm ít ngày, trực tiếp gặp và đàm phán với Marius Moutet, Bộ trưởng Bộ nước Pháp ở Hải ngoại (thường gọi là Bộ Thuộc địa).
Ngày 14/9/1946, Hồ Chủ tịch chủ động gặp Thủ tướng Pháp Bidault và trực tiếp đàm phán với Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp Marius Moutet. Thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp một bản Tạm ước về quan hệ Việt Nam - Pháp. Bản Tạm ước không giải quyết cụ thể vấn đề nào cả, chỉ nêu những thỏa thuận về nguyên tắc mà những tiểu ban hỗn hợp sau này sẽ cụ thể hóa cách thức thực hiện.
Bản tạm ước có 11 điều khoản, thể hiện sự thỏa thuận tạm thời giữa ta và Pháp về một số vấn đề bức thiết có tính chất bộ phận, có lợi cho cả hai bên. Hai bên cam kết đình chỉ mọi xung đột để làm giảm tình hình căng thẳng, tạo thuận lợi để mở lại cuộc đàm phán vào đầu năm 1947. Việt Nam tiếp tục nhân nhượng, đảm bảo cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa ở Việt Nam. Phía Pháp nhận thi hành một số nội dung như: thả chính trị phạm và tù binh; nhân dân Nam Bộ được quyền tự do hội họp, tự do báo chí, tự do đi lại.
Như vậy, Tạm ước 14/9 tôn trọng tinh thần và một số điều khoản của Hiệp định sơ bộ 6/3, tạo thêm thời gian hòa hoãn quý báu cho chính quyền cách mạng non trẻ chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ (bắt đầu vào ngày 19/12/1946 và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ).
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet tại Paris ngày 14/9/1946 (ảnh tư liệu). |
Với bản Tạm ước này, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có những nhân nhượng cuối cùng và lớn nhất đối với Pháp. Hai bên cùng có lợi từ Tạm ước này. Nếu Pháp thật sự tôn trọng Tạm ước và nghiêm túc tìm kiếm một hiệp định đầy đủ thì tình hình hoàn toàn có thể phát triển theo hướng tích cực, tránh được chiến tranh, mở ra một thời kỳ mới tươi sáng trong lịch sử quan hệ hai quốc gia, và người Mỹ sau này sẽ ít điều kiện can thiệp vào Việt Nam.
Có thể thấy rằng, để tránh cuộc chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc, chúng ta đã chủ động đàm phán với Pháp, rồi ký Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), sau đó ký Tạm ước (14/9/1946). Nhờ tranh thủ vài tháng hòa hoãn, các lực lượng vũ trang tiếp tục được xây dựng. Từ chỗ 5.000 quân lúc Cách mạng tháng Tám năm 1945, quân ta đã có khoảng 85.000 người vào trước thời điểm bùng nổ toàn quốc kháng chiến. Du kích tự vệ cũng lên đến gần 1 triệu.
Đảng và Chính phủ đã tích cực chuẩn bị mọi phương diện cho cuộc kháng chiến. Việt Bắc được chọn làm căn cứ địa kháng chiến, với một số huyện của tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, làm nơi đóng các cơ quan Trung ương. Đầu tháng 11/1946, cơ sở vật chất, kỹ thuật của cuộc kháng chiến được chuyển về các căn cứ địa. Các binh công xưởng, xí nghiệp, nhà máy…, với hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu được vận chuyển, sơ tán lên Việt Bắc để vừa sản xuất vừa tiếp tục chiến đấu. Đầu tháng 12, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận, quân đội đã chuyển về các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, rồi lên Việt Bắc vào tháng 3/1947…
“Nhịp nghỉ” quan trọng sau Tạm ước cũng tạo ra thời cơ cho 1.100 trong tổng số 1.230 thôn ở Nam bộ nổi dậy lật đổ ngụy quyền ở cơ sở, khôi phục chính quyền nhân dân. Vài tháng là thời gian ngắn ngủi nhưng vô cùng quý báu để cả nước chuẩn bị sẵn sàng và đồng loạt đứng lên theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19/12/1946.
Những thành quả cách mạng vẻ vang trên là bằng chứng đanh thép cho sự nhạy bén, tài tình trong chỉ đạo của Đảng, đường lối ngoại giao linh hoạt, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ký Tạm ước, hiện thực hóa lời khẳng định của Bác lúc ký Tạm ước là “Cuối cùng nhất định chúng tôi sẽ thắng!”.