Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quyết liệt cải cách bộ máy, xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến công tác cán bộ

Thứ Ba, 30/10/2018 11:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến công tác cán bộ như giao chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm.

Sáng 30/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội (QH) Khóa XIV.

Trình bày báo cáo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết: Thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, xác định những nhiệm vụ đã cam kết tại các phiên chất vấn qua các kỳ họp có ảnh hưởng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành nên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.

Xử lý nghiêm các trường hợp bổ nhiệm sai quy định

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho hay: Thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ và các bộ, ngành đã thực hiện nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với 7 nội dung như cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa hành chính; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức…

Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đổi mới việc phân loại, xác định cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế phù hợp với quy mô và đặc thù của từng loại đơn vị hành chính.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trình bày báo cáo. (Ảnh: TH)

Trong đó, đáng chú ý, đã rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ tinh gọn, đã giảm 06 tổng cục thuộc Bộ Công an, tổ chức lại 125 cục và tổ chức tương đương thuộc Bộ Công an xuống còn 60 cục và tổ chức tương đương, nhập 20 cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh vào cơ quan Công an cấp tỉnh; giảm 01 tổng cục thuộc Bộ Công Thương, số đầu mối Bộ Công Thương đã giảm 05 đơn vị (từ 35 vụ, cục và tương đương xuống còn 30 đơn vị như hiện nay); giảm 15 vụ thuộc Bộ. Thành lập mới 03 tổng cục: Tổng cục Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương. 

Trong các năm 2016, 2017 và 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện, giảm từ 1,7% đến 2,9% so với biên chế được giao năm 2015. Biên chế sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của 62 địa phương đã giảm 3,16% so với năm 2015.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan công tác cán bộ như giao chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm. Lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV, trong lĩnh vực nội vụ, kết quả thẩm tra từ năm 2015 đến ngày 30 tháng 6 năm 2018, số lượng tinh giản biên chế là 38.939 người; đã thực hiện nghiêm túc chính sách nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc theo quy định của pháp luật, không đủ tuổi tái cử và biên chế xã hội hóa.

Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và trình Đề án để Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII ban hành Nghị quyết “Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập”. 

Bên cạnh đó, triển khai thí điểm tổ chức thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, bước đầu đạt kết quả. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước; thành lập và phát huy vai trò Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm tra hoạt động công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tập trung thực hiện đề án và lộ trình tinh giản biên chế gắn với sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và y tế. Triển khai các Nghị quyết của Trung ương, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xử lý nghiêm các trường hợp bổ nhiệm không đúng quy định.

Tập trung chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả

Cũng theo báo cáo, thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4, Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã giải quyết nhiều vấn đề trên các lĩnh vưc công thương, TN&MT, GD&ĐT, nội vụ, y tế, tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, điều tra tội phạm, thi hành án….

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV, báo cáo cho biết, trong lĩnh vực công thương, đã tập trung chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điển hình như xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công thương, đến nay đã có 2/6 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi, 1/3 nhà máy bắt đầu vận hành trở lại, nhiều dự án có chuyển biến tích cực.

Trong lĩnh vực TN&MT, đáng chú ý là vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nay công ty đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính, tiến hành cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải…

Trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng được điều hành linh hoạt, một mặt đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, mặt khác kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ mới vào hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng. 

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã từng bước đi vào nề nếp. Chất lượng điều tra tội phạm được nâng lên; tỷ lệ khám phá các vụ án hình sự đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ…/.

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN