Phát triển bền vững cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long
(ĐCSVN) - Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được coi là vựa trái cây của cả nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, năng suất, chất lượng các loại trái cây không ngừng tăng lên nhờ việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, tuyển lựa sử dụng giống mới.
Vựa trái cây của cả nước
Đáng chú ý, sản xuất cây ăn trái theo qui trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được đặc biệt quan tâm, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Nhiều mô hình sản xuất theo VietGAP, Global GAP đã được thực hiện và chứng nhận trên chôm chôm, bưởi da xanh ở Bến Tre, bưởi Năm roi ở Vĩnh Long, vú sữa Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, xoài ở Đồng Tháp,... đã mang lại hiệu quả.
Đối với thanh long, đã cấp giấy chứng nhận an toàn cho 9.394 ha, trong đó VietGAP 9.099 ha/437 cơ sở/9.845 hộ (Bình Thuận 8.989,76 ha/433 cơ sở/9.759 hộ, Tiền Giang: 109,5 ha/04 cơ sở/6 hộ); chứng nhận GlobalGAP 295 ha (Bình Thuận 262 ha/10 cơ sở, Long An 33,4 ha/01 cơ sở).
Đối với xoài, đã hình thành 11 mô hình (Cần Thơ 3, Hậu Giang 2, Đồng Tháp 4, Vĩnh Long 1, Tiền Giang 1) với diện tích 153,4 ha, sản lượng 1.463 tấn/năm (trong đó liên kết tiêu thụ 220 tấn/năm).
Đối với sầu riêng, đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 49,46 ha (Tiền Giang 22 ha, Bến Tre 27,46 ha).
Đối với nhãn, đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 126,26 ha (Tiền Giang 79 ha, Bến Tre 47,26 ha). Hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã xây dựng mô hình có chứng nhận VietGAP và cấp mã code xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Để giảm áp lực của tính thời vụ đối với trái cây, nâng cao hiệu quả kinh tế, người trồng cây ăn trái vùng ĐBSCL đã triển khai thực hiện ngày càng tốt hơn rải vụ thu hoạch một số loại trái cây bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT, các tỉnh đã chỉ đạo, điều hành rải vụ thu hoạch một số trái cây chủ lực như: Xoài, chôm chôm, nhãn, thanh long, sầu riêng trên diện rộng và mang lại hiệu quả tích cực. Đến cuối năm 2014, rải vụ thanh long đạt 50% diện tích, xoài 20,28%, sầu riêng 40,40%, nhãn 43,13%, mở ra hướng mới trong chỉ đạo điều hành liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây của cả vùng.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, phần lớn các loại quả đều tiêu thụ dưới dạng quả chín, tươi sau khi thu hoạch. Việc chế biến, phơi sấy, đóng hộp, nước ép, bảo quản nhiều ngày đang mới giai đoạn đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thị trường tiêu thụ trái cây ở trong nước là chính, chiếm 85-90% tổng sản lượng sản xuất, xuất khẩu mới chiếm 10-15%, xuất khẩu trái tươi đối với thanh long, nhãn, chôm chôm, dứa, bưởi, chanh, chuối, xoài…, xuất khẩu dưới dạng chế biến đối với dứa, xoài ở dạng đông lạnh, nước quả…
Khối lượng và kim ngạch xuất khẩu rau quả đang có chiều hướng tăng nhanh. Năm 2005, nước ta xuất khẩu đến 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với trên 235 triệu USD; năm 2015, đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt 1,838 tỷ USD, tăng 123% so với năm 2014 và tăng 782,13% so với năm 2005 (2005-2015), trong đó trái cây chiếm trên 70%. Năm 2015 là năm có kim ngạch xuất khẩu rau quả cao nhất từ trước đến nay.
7 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 1,385 tỷ USD, tăng 135,5% so với cùng kỷ năm 2015. Ngoài các thị trường truyền thống, chúng ta đã tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand…
Triển khai nhiều giải pháp hướng tới phát triển bền vững
Thêm nữa, công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập; nhiều cây giống kém chất lượng, không sạch bệnh vẫn được tiêu thụ trên thị trường. Công tác quản lý nhà nước về giống cây lâu năm chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều đối tượng sâu bệnh hại diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh chổi rồng trên nhãn, bệnh đốm trắng do nấm Neoscytalidium dimidiatum trên thanh long, bệnh vàng lá trên cây có múi.
Ngoài ra, tổ chức sản xuất cây ăn trái vùng ĐBSCL chưa thật sự bền vững; mối liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được hình thành; doanh nghiệp chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chưa đầu tư, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nhà thu mua yêu cầu, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản chậm phát triển, chưa đáp ứng về quy mô, công nghệ...
Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), vùng ĐBSCL cần triển khai các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, cần liên kết sản xuất theo hình thức “tổ chức sản xuất của nông dân” có quy mô phù hợp theo nhiều mức độ như: Câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp cổ phần; Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với “tổ chức sản xuất của nông dân” theo chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp liên doanh, liên kết trực tiếp với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là khâu bảo quản và tiêu thụ trái cây tươi. Hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, rải vụ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo phát triển ngành hàng trái cây bền vững.
Thứ hai, chỉ đạo điều hành tốt rải vụ thu hoạch, phát huy hiệu quả, hiệu lực công tác chỉ đạo điều hành của các tổ trái rải vụ thu hoạch các cây ăn trái chủ lực đã hình thành, xoài (Đồng Tháp tổ trưởng), chôm chôm (Bến Tre tổ trưởng), sầu riêng (Tiền Giang tổ trưởng), nhãn (Vĩnh Long tổ trưởng); thời gian tới, cần thường xuyên nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch chỉ đạo, điều hành để công tác rải vụ thu hoạch gắn liền sản xuất với tiêu thụ, hướng tới sẽ hình thành thêm các tổ đối với các cây ăn trái mới.
Thứ ba, quản lý tốt quy hoạch; tăng cường công tác quản lý, giám sát, thực hiện đảm bảo phát triển đúng định hướng; xác định cụ thể diện tích từng loại cây gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống bảo quản chế biến phù hợp với sản xuất và gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thị trường theo hướng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, xu hướng tiêu dùng của thị trường; chọn tạo ra giống mới thích ứng với từng vùng, với biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường, nhất là những cây đặc sản, nỗi tiếng có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, gắn công tác khuyến nông từ tổ chức sản xuất (xây dựng mô hình, đào tạo, tập huấn cho các đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh) với tín dụng, chứng nhận chất lượng, tiêu thụ sản phẩm.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác giống với việc duy trì nghiên cứu chọn tạo cung ứng giống mới cho sản xuất; tiến hành bình tuyển cây đầu dòng, xây dựng vườn đầu dòng tốt cung ứng giống bảo đảm chất lượng cho sản xuất; mặt khác tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm những đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh giống không đảm bảo điều kiện, chất lượng theo Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, giúp cho công tác giống cây ăn quả đi vào nề nếp.
Thứ sáu, thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và địa phương, từng bước huy động các nguồn lực đầu tư cho trồng trọt, nông nghiệp, nông thôn nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo động lực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt./.