Phát huy nội lực, trao quyền cho người nghèo
(ĐCSVN) – Trong công tác giảm nghèo, điều quan trọng nhất là phải phát huy nội lực của người nghèo, trao quyền cho người nghèo. Mọi việc của người nghèo phải để cho người nghèo lo, người nghèo tự quyết định.
Đây là trao đổi của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm với báo chí về kết quả của dự án và những chính sách giảm nghèo giai đoạn tới bên lề Hội nghị tổng kết Ban Chỉ đạo Dự án hỗ trợ giảm nghèo (PRPP) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 22/11.
Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết, hiệu quả lớn nhất của dự án lần này mang lại là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Dự án này ngoài việc hỗ trợ cho Chính phủ, các bộ, ngành rà soát lại chính sách thì quan trọng nhất là phát huy nội lực của người nghèo, trao quyền cho người nghèo. Dự án này làm các mô hình để đúc kết, khái quát thành chính sách, chủ trương chung, tức làm thế nào để mọi việc của người nghèo phải để cho người nghèo lo, người nghèo tự quyết định. Chúng ta chỉ hỗ trợ về môi trường pháp lý, về nguồn lực bằng cách cho vay, cho mượn... còn người nghèo phải là người tự quyết định. Ví dụ, người nghèo nuôi bò thì phải tự đi mua bò, nuôi lợn tự đi mua lợn, chúng ta không mua bò, mua lợn hộ người nghèo, làm triệt tiêu động lực, tính năng động, chủ động của họ.
Thứ hai là ngoài việc trao quyền thì sự kết nối giữa cán bộ làm giảm nghèo với người dân được diễn ra thường xuyên hơn thông qua các đối thoại chính sách, qua cuộc họp chung, diễn đàn vừa nâng cao năng lực cho họ vừa lắng nghe ý kiến của họ để phản ánh lên trên và thay đổi chính sách.
Tôi đánh giá dự án này rất cao, chính kết quả của các mô hình này đã được khái quát lên và thể hiện trong chương trình mục tiêu quốc gia là chúng ta có một hợp phần nâng cao năng lực cho người nghèo, cho cộng đồng nghèo.
PV: Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về định hướng chuyển từ việc hỗ trợ trực tiếp, cho không sang hỗ trợ có điều kiện với người nghèo?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Đây là định hướng về chính sách, chúng ta cũng thống nhất trong chỉ đạo là giai đoạn tới cần thay đổi chính sách đối với hộ nghèo, người nghèo. Tức là thay vì có các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không, làm thay thì sẽ tạo cơ hội cho họ tiếp cận các nguồn lực, tự quyết định việc làm, hoạt động sản xuất kinh doanh, phụ thuộc vào năng lực, điều kiện của từng gia đình. Đó là cơ chế chúng ta sẽ áp dụng rộng rãi trong thời gian tới, giảm dần hỗ trợ cho không và gắn vào đó là những chính sách hỗ trợ cho điều kiện. Nhưng cho không cũng cần duy trì một số chính sách với những đối tượng cần thiết nhưng cũng phải có điều kiện, có thời gian chứ không phải là cho không mãi mãi.
Ngược lại, chúng ta tăng nguồn vốn cho vay ưu đãi về lãi suất, thời gian vay, điều kiện, thủ tục, làm thế nào thực sự thông thoáng để người dân, đặc biệt là phụ nữ có thể tiếp cận thuận lợi.
PV: Trong thực tế, ở nhiều địa phương còn có tình trạng đấu tranh để được vào danh sách hộ nghèo, xin Thứ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Chúng tôi qua kiểm tra, đánh giá, kể cả đánh giá giám sát của Quốc hội vẫn phát hiện ra tư tưởng này, người nghèo không muốn thoát ra, thậm chí mình không phải là hộ nghèo nhưng cứ muốn được thôn, xã đưa vào diện nghèo. Nguyên nhân sâu xa là nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo quá nên ai cũng muốn được hưởng.
Tôi cho rằng ở nông thôn giữa cái nghèo và không nghèo cũng không có chênh lệch lớn nên người ta thấy cũng đang nghèo nên muốn vào diện nghèo. Chính vì vậy chỉ khi nào chúng ta thay đổi chính sách một cách căn bản, triệt tiêu tư tưởng chông chờ, muốn thụ hưởng phần cho không của nhà nước thì mới có thể không có tư tưởng vào diện nghèo và chỉ muốn được nhà nước hỗ trợ để thoát nghèo. Chúng ta cũng phải làm công tác truyền thông cho tốt để thấy rằng nghèo cần phải có tự ti, tự ái khi mình mãi ở hộ nghèo, có thế họ mới có động lực thoát nghèo.
PV: Sau quá trình thực hiện dự án, ông đánh giá thế nào về năng lực của người nghèo trong việc chủ động tham gia vào quá trình giảm nghèo?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Nhìn chung họ có sự tiến bộ ngay cả trong nhận thức, cách suy nghĩ, cách làm, kể cả cách chi tiêu trong gia đình. Tôi thấy những người nào được tham gia vào dự án đều có sự thay đổi rất đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, chúng ta phải làm thế nào để nhân rộng ra, còn nếu chỉ trong phạm vi của dự án thì tác động cũng hạn chế. Nhiệm vụ tới đây là khái quát, đánh giá mô hình này để hướng dẫn cho các địa phương để bằng nguồn lực của chính chúng ta nhân rộng ra.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, nguồn lực thời gian tới dành cho giảm nghèo như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Ngân sách 5 năm tới dành cho giảm nghèo đã được phê duyệt. Theo đó, tổng nguồn lực khoảng 46 nghìn tỷ, trong đó 41 nghìn tỷ ngân sách trung ương, hơn 5 nghìn tỷ của địa phương. Trong đó, khoảng 80% cho đầu tư hạ tầng, 20% là vốn để hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất bằng các hình thức cho vay, hỗ trợ giống, kỹ thuật...
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.