Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy mạnh mẽ vai trò của Bộ Tư pháp trong giải quyết các tranh chấp quốc tế

Thứ Hai, 19/12/2022 21:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Tư pháp phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là cơ quan đại diện pháp lý của Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã ký một loạt các hiệp định bảo hộ đầu tư với các nước.

Chiều 19/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và nhiều lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh.

Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Thứ trưởng, Thủ trưởng các các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp.

Chất lượng thẩm định văn bản tiếp tục được nâng cao

Theo Báo cáo Tổng kết công tác tư pháp năm 2022, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các Nghị quyết, Chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp; đồng thời, bám sát mục tiêu, chương trình phát triển KTXH năm 2022 tại các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và của từng địa phương. Việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, địa phương hoặc các nhiệm vụ đột xuất thuộc lĩnh vực quản lý được Bộ, ngành Tư pháp thực hiện chủ động, ban hành sớm để tổ chức thực hiện với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”. 

Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành được đánh giá đã khẳng định những nỗ lực của Bộ trong chỉ đạo cải cách, cũng như trong tham mưu Chính phủ thực hiện cải cách thể chế, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Hải Minh. 

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt nhiều kết quả nổi bật. Chất lượng thẩm định văn bản tiếp tục được nâng cao; tiến độ được đẩy nhanh hơn. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý văn bản trái pháp luật. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật và các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện rà soát chuyên sâu, phát hiện và kiến nghị xử lý những quy định còn sơ hở, bất cập, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn.

Công tác tổ chức thi hành pháp luật được triển khai ngày càng bài bản. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn.

Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Thể chế về THADS tiếp tục được hoàn thiện,kịp thời giải quyết một số tồn tại, vướng mắc về uỷ thác, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả xử lý tài sản thi hành án, nhất là việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực được tăng cường, giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, nhất là lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản. Hoạt động trợ giúp pháp lý đạt nhiều kết quả nổi bật khi lần đầu tiên nhiệm vụ này được triển khai đồng bộ trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia và lần đầu có chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I. Đồng hành cùng các doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được quan tâm…Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế có nhiều dấn ấn quan trọng.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp năm 2022 còn có một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết các Luật, Nghị quyết đã có hiệu lực vẫn chưa được khắc phục triệt để; việc theo dõi thi hành pháp luật còn có lúng túng nhất định; công tác phổ biến giáo dục pháp luật có nơi, có lúc còn nặng về hình thức dẫn tới hiệu quả chưa cao;...

Tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận những thành quả mà tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ, ngành Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, cơ quan tư pháp, THADS đã nỗ lực, phấn đấu đạt được.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế nhất định của công tác tư pháp như: chất lượng pháp luật trong một số lĩnh vực còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu; công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa có giải pháp thực sự đột phá, nhất là trong việc đảm bảo tính răn đe nên hiệu quả chưa cao; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có việc còn hình thức, nội dung chưa thực sự phù hợp với đối tượng, địa bàn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị . Ảnh: TH.

Cơ bản nhất trí với các phương hướng, giải pháp, nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp được nêu tại Báo cáo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham mưu thực hiện thực chất, hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.”Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Thường trực đặc biệt nhấn mạnh phải kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản để sớm đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống.

 Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THA hành chính được Quốc hội giao; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất. Đồng thời, phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là cơ quan đại diện pháp lý của Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã ký một loạt các hiệp định bảo hộ đầu tư với các nước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trao tặng cờ thi đua ngành Tư pháp cho các tập thể có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước năm 2022 của ngành Tư pháp. Ảnh: TH. 

Đi cùng với đó là chú trọng kiện toàn tổ chức, bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp, các tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp, THADS theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp để làm tốt các nhiệm vụ được giao, tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn, đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế người làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế, THADS.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 2 tập thể đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2021 của Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trao tặng cờ thi đua ngành Tư pháp cho các tập thể có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước năm 2022 của ngành Tư pháp./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN