Tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Lai Châu giảm bình quân 4,09% mỗi năm
(ĐCSVN) - Từ các chương trình MTQG, tỉnh Lai Châu có thêm nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG các cấp để tổ chức thực hiện 3 chương trình MTQG.
Giai đoạn 2021-2024 vốn ngân sách Trung ương đã giao là 4.648.986 triệu đồng; kế hoạch 2025 còn lại dự kiến là 1.655.303 triệu đồng. Lũy kế giải ngân đến 31/8/2024 là 2.626.309 triệu đồng, bằng 56,5% kế hoạch giao.
Từ các chương trình MTQG, tỉnh Lai Châu có thêm nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển. Ảnh: laichau.gov.vn |
Trong đó, chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là 4.033.007 triệu đồng; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là 1.772.691 triệu đồng; chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là 498.592 triệu đồng.
Từ các chương trình MTQG, tỉnh Lai Châu có một nguồn lực lớn và quan trọng cho đầu tư phát triển, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững. Nhiều công trình, dự án về cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư đồng bộ; nhiều mô hình kinh tế, phát triển sản xuất được tổ chức triển khai thực hiện... đã góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới từng bước thay đổi diện mạo nông thôn; bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững; thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với mức bình quân của tỉnh.
Đến hết năm 2024 nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch, mục tiêu cả giai đoạn như: tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4,09%/năm, riêng các huyện nghèo giảm bình quân 5,49%/năm; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 98,3%; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92% và 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhu cầu được hỗ trợ nhà ở... Các chỉ tiêu còn lại đang phấn đấu để hoàn thành trong năm 2025.
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 05/07/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng chương trình MTQG. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình...
Người dân bản Thèn Pả xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) được hỗ trợ máy sản xuất. Ảnh: Hà Tĩnh |
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 05/07/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG; tiếp tục rà soát, đánh giá những khó khăn trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kịp thời có các giải pháp tháo gỡ. Nhất là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội: về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; giải quyết các chính sách...
Trước mắt, từ nay đến cuối năm, các ngành, địa phương quyết liệt vào các chỉ tiêu đạt thấp; nghiên cứu kỹ các hệ thống văn bản đề xuất các giải pháp khắc phục những khó khăn, cần tháo gỡ; xây dựng tổ giúp việc để thực hiện tốt hơn nữa các chương trình MTQG; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện các chương trình.../.