Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phân luồng dạy nghề cho học sinh phổ thông tại Đà Nẵng

Thứ Tư, 25/09/2024 15:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cùng với công tác triển khai các nhiệm vụ năm học mới 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Đà Nẵng hiện đang tập trung triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn TP.

Phấn đấu khoảng 10% học sinh tốt nghiệp THCS học nghề

Triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2025”, TP Đà Nẵng đang phối hợp với các trường: Cao đẳng quốc tế Pegasus, Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS, THPT trên địa bàn theo từng năm học. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch triển khai công tác nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, định hướng phần luồng học sinh phổ thông đầu năm học, đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề…

Đại diện Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết: TP sẽ cố gắng phân luồng khoảng 10% học sinh lớp 9 sau khi tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề.  

Theo Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, hiện Sở đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh đầu năm học, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp, phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp, huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp. Thực hiện được các chủ đề giáo dục hướng nghiệp cho học sinh thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giờ chào cờ, giờ sinh hoạt chủ nhiệm.

Sở cũng phối hợp với Trường Đại học xây dựng miền Trung phân hiệu tại Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Đại Việt, Trường Cao đẳng  FPT Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Lương thực và Thực phẩm, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng và các trường trung cấp nghề khác trên địa bàn thành phố… tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 để triển khai tốt công tác cung cấp thông tin nghề nghiệp đào tạo, nhu cầu nghề nghiệp của địa phương.

Trong năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư vấn, định hướng nghề tại các trường THCS, THPT trên địa bàn. Cùng với đó, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phát sổ tay tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hằng năm đến các trường THCS; chỉ đạo đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 thông tin về quy mô, ngành nghề đào tạo và chính sách thu hút giáo dục nghề nghiệp của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn đến học sinh nhằm giúp các em có thêm thông tin để chọn trường, chọn ngành nghề đào tạo phù hợp.

Bên cạnh đó, hiện Sở GD&ĐT cũng đang phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện trên địa bàn TP tổ chức “Ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, người lao động trên địa bàn TP”. Theo đó, nội dung chủ yếu là tổ chức tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng; giới thiệu và cung cấp các thông tin về hình thức tuyển sinh, chương trình, ngành nghề đào tạo; thông tin các chính sách hỗ trợ, miễn, giảm học phí trong đào tạo nghề.

Đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, mục tiêu từ năm học này toàn TP sẽ phấn đấu phân luồng khoảng 10% học sinh lớp 9 sau khi tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề đảm bảo đúng, phù hợp với năng lực của một bộ phận học sinh khó đáp ứng để vào các trường đại học. 

Nhiều cơ hội cho học sinh học nghề

Liên quan đến việc định hướng và đào tạo nghề cho học sinh, hiện nay Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Nam tại TP Đà Năng đang phối hợp với Bệnh viện 199 (Bộ Công an) triển khai mô hình viện - trường trong đào tạo các nghề liên quan đến y dược, đặc biệt là ngành điều dưỡng, chăm sóc phục hồi chức năng và chăm sóc sắc đẹp.

 Trong năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư vấn, định hướng nghề tại các trường THCS, THPT trên địa bàn.

Cũng liên quan đến việc định hướng và đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Nam cho biết, mới đây đoàn công tác của Trường Cao đẳng Y- Dược Việt Nam đã làm việc và khảo sát nhu cầu về nhân lực ngành điều dưỡng, du lịch, chăm sóc sắc đẹp... ở nước Đức. Trên cơ sở đó, Trường đã phối hợp với Bệnh viện 199 (Bộ Công an) tại Đà Nẵng ký kết hợp tác với TP Leipzig (CHLB Đức).

Phía bạn có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực này, trong khi Việt Nam có đủ khả năng để đáp ứng. Vì vậy, chúng tôi đã bắt tay hợp tác. Tùy theo nhu cầu của phía Leipzig, trường Cao đẳng Công nghệ Y- Dược Việt Nam sẽ đào tạo thêm các ngành ẩm thực, khách sạn, xây dựng, công nghiệp. Tuy nhiên trước mắt là trong ngành y tế, sau khi được đào tạo tại Việt Nam, các em học sinh, sinh viên sẽ được tuyển chọn qua Đức. Ở đây, các em vừa học vừa làm mà vẫn có thu nhập - ông Tuấn cho biết.

Trong khi đó, TS. BS Juegen Ulrich, Cố vấn của Thị trưởng TP Leipzig (CHLB Đức) cho biết, việc ký kết biên bản hợp tác giữa TP Leipzig và Trường Cao đẳng Công nghệ Y- Dược Việt Nam và Bệnh viện 199 tại Đà Nẵng là kết quả sau nhiều chuyến thăm, kiểm tra và thảo luận trong năm 2023, qua đó giúp chúng tôi xác định nhu cầu, khả năng và yêu cầu của các bên để hợp tác một cách phù hợp và hiệu quả cao nhất. “Hợp tác này sẽ mở ra chương mới trong việc hợp tác với các đơn vị ở Đà Nẵng"- TS. BS Juegen Ulrich – Cố vấn của Thị trưởng TP Leipzig cho hay./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN