Thúc đẩy nghiên cứu khoa học Pháp ngữ tại các trường đại học Việt Nam
(ĐCSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sẵn sàng cùng Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) xây dựng khung tham vấn quốc gia, tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa hoạt động của AUF với các định hướng ưu tiên về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong việc sử dụng tiếng Pháp.
Ngày 25/9, tại Hà Nội, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức diễn đàn "Tổng quan hoạt động nghiên cứu khoa học Pháp ngữ tại các trường đại học Việt Nam".
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Tại Việt Nam, giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung được xác định là quốc sách hàng đầu và đã được khẳng định trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: TL). |
Với sự hỗ trợ từ Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương của AUF, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã thực hiện nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học hướng đến việc cải thiện môi trường và chất lượng giáo dục đại học của các trường nói riêng và góp phần vào sự phát triển của giáo dục đại học ở Việt Nam nói chung.
Nhận định việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu nói chung và nghiên cứu Pháp ngữ nói riêng tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam là vô cùng cần thiết, Thứ trưởng đồng thời đánh giá cao đội ngũ các nhà khoa học sử dụng tiếng Pháp và chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học của họ.
Thứ trưởng cho biết, hiện nay, ở Việt Nam đã có nhiều trường đại học có khoa, bộ môn tiếng Pháp, hàng năm đào tạo hàng nghìn cử nhân tiếng Pháp và cử nhân các ngành khoa học và kỹ thuật có sử dụng tiếng Pháp. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu Pháp ngữ ở các trường đại học Việt Nam.
“Bộ GD&ĐT Việt Nam sẵn sàng và mong muốn cùng AUF xây dựng khung tham vấn quốc gia, tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa hoạt động của AUF với các định hướng ưu tiên về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong việc sử dụng tiếng Pháp”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định.
Ông Nicolas Mainetti, Giám đốc Văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ, chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: TL). |
Ông Nicolas Mainetti, Giám đốc Văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ, chia sẻ: Nghiên cứu có nhiều thay đổi và phát triển nhanh chóng ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đối với tiếng Pháp. Điều đó đòi hỏi tổ chức AUF phải tìm ra các giải pháp, cách thức, phương tiện để cộng đồng Pháp ngữ trở thành một nhân tố thúc đẩy nghiên cứu, một không gian chia sẻ về cách thức quản trị nghiên cứu và đổi mới cơ chế hệ sinh thái nghiên cứu.
“Thông qua diễn đàn, AUF mong muốn tạo được khung tham vấn quốc gia xác định thực trạng và lấy ý kiến đồng thuận về sự phát triển của nghiên cứu khoa học bằng tiếng Pháp tại Việt Nam. Nêu bật được những thách thức, đề xuất nhằm cung cấp cơ sở lý luận thực tiễn cho những cải cách trong tương lai của hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu của Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy tốt hơn hoạt động nghiên cứu bằng tiếng Pháp tại Việt Nam...”, ông Nicolas Mainetti nói.
Diễn đàn được tổ chức theo mô hình thảo luận nhóm và theo chủ đề với 3 tiểu ban thảo luận thuộc các lĩnh vực: Khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật và khoa học sức khỏe và đời sống. Các thảo luận tập trung chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện chiến lược nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu, đồng thời đề xuất các ý kiến cho việc xây dựng kế hoạch hành động của AUF trong tương lai.../.
Tại Việt Nam, Tổ chức Đại học Pháp ngữ có văn phòng đại diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ năm 1992 và tới nay, đã có 47 trường đại học của Việt Nam là thành viên, trong đó có 5 đại học và nhiều trường đại học có tên tuổi như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Ngoại giao, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ… |