Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Dự kiến 18 cơ sở giáo dục đại học được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn

Chủ Nhật, 22/09/2024 22:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trong danh sách dự kiến 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có Trường Đại học Điện lực (EPU).

Ảnh minh họa. 

Dự kiến 18 cơ sở giáo dục đại học được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Theo đó, trong danh sách dự kiến 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có Trường Đại học Điện lực.

Theo Quyết định, mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh đó, đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.

Căn cứ khả năng cân đối, ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa 04 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại khoảng 18 cơ sở giáo dục đại học công lập ở 03 miền Bắc, Trung và Nam.

Đến năm 2050, phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Các cơ sở đào tạo, đặc biệt các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Căn cứ khả năng cân đối, ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại khoảng 18 cơ sở giáo dục đại học công lập ở 3 miền Bắc, Trung và Nam.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm:

1. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù.

2. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo.

3. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức đào tạo.

4. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về huy động, đa dạng hóa nguồn lực.

5. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

6. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu và phát triển.

7. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp khác.

Trong đó với nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức đào tạo, ưu tiên học bổng cho người học theo học các chương trình đào tạo tài năng, cho người học chương trình đào tạo về công nghiệp bán dẫn theo quy định của cơ sở giáo dục đại học.

Đào tạo nhân lực trình độ đại học: Rà soát, xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn; Phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong hệ thống giáo dục đại học; Phát triển các chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế;

Đào tạo nhân lực trình độ sau đại học: Xây dựng và triển khai các chương trình trao đổi, hỗ trợ học bổng tham gia các chương trình đào tạo sau đại học trong và ngoài nước; Tăng cường phối hợp giữa viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong việc thực hiện chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Với truyền thống hơn 120 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Điện lực là một trường đại học công lập đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, EPU cũng là một trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của ngành năng lượng Việt Nam.

Mục tiêu lâu dài và bền vững của Trường Đại học Điện lực là trở thành trường đại học theo ứng dụng hàng đầu Việt Nam, mô hình tự chủ toàn diện, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến khu vực và quốc tế. Người học được đào tạo toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động, có khả năng học tập suốt đời, có năng lực sáng tạo và khởi nghiệp. Kết quả nghiên cứu khoa học đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN