Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

LTS: Việt Nam có hơn 33 triệu lao động phi chính thức, chiếm khoảng hơn 68% tổng số lao động có việc làm của cả nước. Mặc dù chiếm tỷ trọng lớn song lao động phi chính thức thật sự là lao động yếu thế với trình độ kỹ năng thấp, việc làm mang tính chất tạm thời, thiếu các bảo trợ xã hội và khó có thể đảm bảo mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình.

Chính vì vậy, sửa đổi Luật Việc làm lần này cần bổ sung các quy định mang tính khung, định hướng làm cơ sở thúc đẩy việc làm theo hướng bền vững đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

(ĐCSVN) - Chiếm tỷ lệ lớn và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhưng lao động phi chính thức lại là nhóm chịu nhiều tổn thương, rủi ro và ít được thụ hưởng chính sách nhất. 

Bà Nguyễn Thị Thuỷ (Thanh Nhàn, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một trong hàng triệu lao động "lao đao" khi dịch COVID-19 xảy ra. Trước thời điểm dịch, bà là lao động tự do, thường làm các công việc thuê mướn ở các hàng quán. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư (tháng 4/2021), hàng quán đóng cửa, không ai thuê làm việc nữa nên bà cũng thất nghiệp, không có thu nhập. 

“Dịch bệnh ập đến, tôi phải nghỉ việc. Chồng là công nhân cũng phải giãn việc, nghỉ luân phiên, thu nhập cũng giảm. Tôi đã phải “thắt lưng buộc bụng” tằn tiện chi tiêu hết mức có thể” – bà bộc bạch.


Bà Đào Thị Thêm, năm nay 54 tuổi (Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, công việc hiện tại là làm nông. Khoảng thời gian nông nhàn thì đi cắt cỏ thuê, phụ hồ… kiếm thêm thu nhập cho gia đình. 

"Công việc vất vả, nặng nhọc, nhiều hôm về nhà đau lưng, đau chân, say nắng… Công việc hiện tại của tôi chưa áp ứng nhu cầu cuộc sống vì thu nhập thấp và thất thường” - bà cho biết.

Rõ ràng, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào. Thế nhưng, thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng lao động khi phần đông lao động Việt Nam đang làm những công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định, không được đóng bảo hiểm xã hội, không có hợp đồng lao động như trường hợp của bà Thuỷ, bà Thêm. Đó chính là việc làm phi chính thức. 

Lao động phi chính thức được xác định dựa trên việc làm không chính thức. Lao động phi chính thức có thể là người thu gom rác tự do; người bán hàng rong; thợ xây dựng nhỏ, người bốc xếp mang tính cá thể tự do, làm cửu vạn, lái xe ôm tự do, chở hàng tự do... Hiện nay cũng phải kể đến những người bán hàng trực tuyến, lái xe công nghệ, dịch vụ giao hàng có ứng dụng công nghệ … 

Việt Nam có hơn 33 triệu lao động phi chính thức, chiếm khoảng hơn 68% tổng số lao động có việc làm của cả nước

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4, ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, người lao động trong khu vực phi chính thức và gia đình họ hay phải chịu thiệt thòi vì không được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật về lao động. Ví dụ, đối với yêu cầu về an toàn và sức khỏe liên quan tới điều kiện làm việc, họ cũng không được nhận hỗ trợ từ các chương trình trợ cấp xã hội.

Thêm vào đó, tiếng nói của người lao động trong khu vực phi chính thức ít khi được nhắc đến trong quá trình quyết định các chính sách. Doanh nghiệp trong nền kinh tế chính thức phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ khu vực phi chính thức do giá cả hàng hóa và dịch vụ được cắt giảm bởi họ không đóng góp vào bảo hiểm xã hội cũng như thuế.

Tại Hội thảo Thúc đẩy triển khai chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về việc làm thỏa đáng 2022 - 2026, bà Chu Thị Lê Anh - Giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, thực trạng về việc làm trong khu vực phi chính thức không đạt được các tiêu chí của việc làm thỏa đáng bởi việc làm ở khu vực này chủ yếu có tính chất giản đơn, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật, vì thế cũng đem lại thu nhập thấp cho người lao động. 

“Người lao động phi chính thức thường ở thế yếu trong thương lượng để đảm bảo điều kiện làm việc cũng như cơ hội, yêu cầu nâng cao thu nhập. Điều đó dẫn đến hệ quả là người lao động trong khu vực phi chính thức có thu nhập thấp”- bà Lê Anh cho biết.

Lao động phi chính thức đối diện rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ bởi hệ thống pháp luật về lao động 

Hơn nữa, quyền, phương tiện, môi trường tại nơi làm việc của lao động phi chính thức cũng không được đảm bảo. Bởi, phần lớn chủ sử dụng lao động của họ thường là các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, cơ sở gia đình có quy mô tài chính tương đối hạn hẹp. Vì thế, việc trang bị cho người lao động trong môi trường làm việc chỉ ở mức cơ bản. 

Nhấn mạnh đa số lao động phi chính thức không có hợp đồng lao động hoặc không bằng văn bản, bà Lê Anh cho biết: “Chính vì không có giao kết hợp đồng bằng văn bản nên họ không được đảm bảo về mặt luật pháp trước những yếu tố khiến cho việc làm trở nên không thỏa đáng".

Báo cáo "Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam" được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy: Tính đến hết năm 2021, cả nước có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 68,5% tổng số lao động có việc làm cả nước. Tỷ lệ này thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Campuchia, Indonesia, Myanmar, song vẫn ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới. Lao động phi chính thức của Việt Nam không chỉ làm việc trong khu vực phi chính thức mà còn làm việc khá đông trong khu vực chính thức. 

Năm 2021, có đến 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ lao động phi chính thức trên 70%, thậm chí nhiều tỉnh còn trên 80% và tỷ lệ thuận với hộ nghèo của các tỉnh.

Quy mô và cơ cấu lao động chính thức theo vùng kinh tế - xã hội, năm 2021 (Nguồn: Tổng cục thống kê)   

Theo báo cáo, lao động phi chính thức làm việc ở khu vực nông thôn chiếm 72,5% tổng lao động phi chính thức. Ở khu vực nông thôn, cứ trong 100 người lao động đang làm việc thì có khoảng 78 người là lao động phi chính thức, trong khi đó con số này ở khu vực thành thị chỉ là 52 người. 

Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng và Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô xe máy là các ngành thu hút hầu hết lao động phi chính thức của cả nước. Đến 82,8% lao động phi chính thức của Việt Nam đang làm việc ở các ngành này. 

 Gần một nửa số người lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng

Một chỉ số đáng lưu ý khác, lao động phi chính thức ở Việt Nam thường làm các công việc giản đơn, ít đòi hỏi trình độ kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn kỹ thuật. Khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao (như: Nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao; nhà chuyên môn kỹ thuật bậc trung; nhân viên văn phòng) chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp khoảng 1,9%.

Do làm việc ở khu vực phi chính thức chủ yếu có tính chất giản đơn, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật, vì thế cũng đem lại mức thu nhập thấp cho người lao động. Thu nhập từ công việc chính của lao động phi chính thức trong năm 2021 là 4,4 triệu đồng, chỉ bằng một nửa thu nhập của lao động chính thức (8,2 triệu đồng).  

Gần một nửa (47,0%) số người lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Con số này ở lao động chính thức chỉ là 8,0%. Rõ ràng, so với lao động chính thức, lao động phi chính thức không chỉ chịu nhiều thiệt thòi hơn do phải làm công việc bấp bênh, tạm thời, không được bảo trợ xã hội mà còn khó có thể đảm bảo mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình.

Đa số lao động phi chính thức không tham gia vào bất kì một loại hình bảo hiểm nào.

Đáng chú ý, số liệu thống kê cho thấy, có đến 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kì một loại hình bảo hiểm nào. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ (2,1%) người lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chỉ có 0,1% lao động phi chính thức có bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc đa số lao động phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội đang đặt ra những hệ lụy to lớn cho người lao động khi gặp rủi ro dẫn đến mất thu nhập, cũng như những thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, mặc dù lao động phi chính thức tồn tại như một thành phần không thể thiếu đối với một quốc gia đang phát triển và có quy mô dân số lớn như Việt Nam, tuy nhiên, muốn có một nền kinh tế phát triển và bền vững không thể dựa vào thị trường lao động với tỷ lệ phi chính thức cao. Chính vì vậy, Việt Nam và các quốc gia khác đã và đang tìm cách để giảm thiểu tỷ lệ này./.

 

Nhóm PV
25/09/2024 15:48
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN