Nhìn lại 2 năm triển khai Nghị quyết số 76 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020
(ĐCSVN) – Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết số 76/2014/QH13 “Về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020”. Đến nay, sau 2 năm triển khai, Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tỷ lệ hộ nghèo đạt chỉ tiêu Nghị quyết 76
Năm 2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76 (NQ76) với một số chỉ tiêu cụ thể cho năm 2015 là: “Giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%”.
Ngay sau khi NQ76 ra đời, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2324/QĐ-TTg, ngày 19/12/2014 ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 76 của Quốc hội trong giai đoạn 2014 - 2015 và 2016 - 2020.
NQ76 cũng như Quyết định 2324 của Chính phủ được các Bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động và nghiêm túc triển khai thực hiện, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời đã ban hành được chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016 - 2020 và hoàn thành rà soát phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Đến nay, Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn chương trình năm 2016 cho các Bộ ngành, địa phương; đã bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; điều chỉnh nâng mức hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, nâng mức khoán khoanh nuôi, chăm sóc bảo vệ rừng; điều chỉnh chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo... Bên cạnh đó, đã hòan thành rà soát các văn bản chính sách liên quan đến giảm nghèo, bước đầu đã hợp nhất một số văn bản chính sách hỗ trợ về giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất...
Giai đoạn 2011 – 2015, tổng nguồn vốn được phê duyệt cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (CTMTQGGNBV) là 36.220,492 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 29.220,492 tỷ đồng (vốn đầu tư 23.572,2 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 5.648,292 tỷ đồng); ngân sách địa phương là 4.000 tỷ đồng. Nguồn viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác: 3.000 tỷ đồng.
Nhưng khi triển khai thực tế, tổng nguồn vốn đã bố trí còn vượt cao hơn so với phê duyệt. Cụ thể, ngân sách Trung ương: 33.842,207 tỷ đồng, trong đó (vốn đầu tư là 25.833,2 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 8.009,007 tỷ đồng), vượt 15% so với tổng kinh phí ngân sách Trung ương phê duyệt. Ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động khác: 13.497,041 tỷ đồng, vượt 92,8% so với phê duyệt.
Từ các số liệu trên có thể thấy, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, không tiếc nguồn lực để đầu tư cho CTMTQGGNBV. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015 (chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là dưới 5%), theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, bình quân mỗi năm giảm 2%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015 (chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là dưới 30%), bình quân mỗi năm giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần cải thiện đời sống người dân, ổn định xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là đối với địa bàn vùng dân tộc và miền núi.
Nghị quyết 76 giúp hàng triệu người được thụ hưởng Chương trình 135
Thực hiện NQ76, trong giai đoạn 2014 - 2015, có 4 dự án được triển khai gồm: Dự án “Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo”; Dự án “Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn”; Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”; Dự án “Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình”.
Trong đó, riêng Dự án “Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn” theo Quyết định 551/QĐ-TTg, ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ là giai đoạn nối tiếp của Chương trình 135.
Qua hai năm thực hiện theo Nghị quyết 76 của Quốc hội, Chương trình 135 đã thực hiện đầu tư trên 14.000 công trình thiết yếu; duy tu bảo dưỡng 386 công trình, tập trung chủ yếu là đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt, trạm y tế...; hỗ trợ xây dựng 104 mô hình phát triển sản xuất, tổ chức 582 lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao kỹ thuật cho trên 275 ngàn lượt người. Việc giao cho cấp xã làm chủ đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đều thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã giảm đáng kể, từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình là 49,2%, thì nay đã giảm còn khoảng 34,8%, bình quân mỗi năm giảm trên 3,5%. Hạ tầng cơ sở các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã được tăng cường, dần đáp ứng nhu cầu dân sinh và phát triển sản xuất.
Tiếp tục những hoạt động giai đoạn 2014 - 2015, các phần việc của giai đoạn 2016 - 2020 đang được triển khai. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, đã có 3.493,809 tỷ đồng được bố trí cho Chương trình 135 để đầu tư cho 1.200 công trình. Trong đó: 2.582,28 tỷ đồng dành cho hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn; 911,529 tỷ đồng dành cho hỗ trợ phát triển sản xuất và duy tu bảo dưỡng những công trình đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng từ những năm trước. Bên cạnh đó, Chương trình 135 cũng đã đầu tư hỗ trợ sản xuất (hỗ trợ giống cây, giống con, phân bón, vật tư và một số mô hình phát triển sản xuất) cho 147.000 hộ. Đồng thời tiến hành đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở tại các tỉnh: Bắc Giang, Tuyên Quang, Thái nguyên, Kiên Giang, Hà Giang...
Mặc dù đã triển khai được nhiều việc, nhưng theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình triển khai, các địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn: sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng, tham gia ý kiến, trình ban hành và hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách, nhất là các chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo còn chậm; công tác rà soát, phân loại hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới và tiếp cận đa chiều ở một số địa phương không đảm bảo tiến độ chung…. Bên cạnh đó, do có rất nhiều khó khăn về nguồn lực nên đã tạo áp lực trong bố trí dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Ngoài ra, do điều kiện nguồn lực có hạn nên chuẩn nghèo về thu nhập được xác định cho giai đoạn 2016 - 2020 còn thấp, chưa phản ánh hết mức độ nghèo thực tế; các tiêu chí nghèo đa chiều lần đầu tiên được lựa chọn và áp dụng nên cũng còn hẹp, cần tiếp tục hoàn thiện thêm trong giai đoạn sau.
Một số kinh nghiệm rút ra sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 76
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, từ những vướng mắc, hạn chế qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 76 “Về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020” đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm như sau:
Việc sớm quán triệt cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giao cho các Bộ, ngành thực hiện trong kế hoạch tổng thể của Chính phủ, có sự chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên của cơ quan thường trực là yếu tố quan trọng để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội.
Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực trong điều hành, chỉ đạo, hướng về địa phương, cơ sở; sâu sát nắm bắt và tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong đó có các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành với nhau; giữa các Bộ, ngành với các Ủy ban của Quốc hội trong nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật pháp, chính sách, các chương trình, đề án, dự án lớn một cách chặt chẽ, trách nhiệm có ý nghĩa quyết định góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc ban hành và thực thi luật pháp, chính sách nói chung cũng như những chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nói riêng.
Sự tích cực, chủ động trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết của các địa phương, đặc biệt là vấn đề huy động nguồn lực, xây dựng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy vai trò của người dân, của cộng đồng trong việc ra quyết định là yếu tố quyết định hiệu quả của các chương trình và chính sách giảm nghèo.
Cần đề cao vai trò và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc hoạch định, xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, tuyên truyền, vận động quần chúng và thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội trong quá trình thực hiện chính sách để đảm bảo chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đến được với người dân.
Phát huy vai trò của chính chủ thể - người dân trong việc chuyển mạnh từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ có điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo chủ động, tích cực vươn lên thoát nghèo và từng bước phát triển sản xuất, kinh doanh./.