Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ Năm, 22/09/2016 16:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

“Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững” là chủ đề của Hội thảo quốc tế Việt Nam – Hungary lần thứ 9, do Viện Nghiên cứu và hợp tác bảo tồn gen Katki (Hungary) phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức diễn ra vào ngày 22/9 tại tỉnh Trà Vinh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Lao Động)

Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các nhiều nước như Hungary, Hoa Kỳ, Nhật Bản… và các viện, trường, sở, ngành, doanh nghiệp nhiều địa phương trong nước.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề về bảo tồn gen; việc phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thuỷ sản; quản lý chất lượng nước, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp…. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất giống cây trồng, thuỷ sản chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu; cách áp dụng sản suất nông nghiệp thông minh đối phó hiệu quả các tác động của biến đổi khí hậu…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, trước những thách thức trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long cần thay đổi cách thức sản xuất, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với thời tiết cực đoan. Cùng với đó, các địa phương phải làm tốt công tác liên kết khu vực, liên kết “4 nhà” để phát triển chuỗi cung ứng hàng hoá đáp ứng nhu cầu thị trường…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết, thời gian qua, Khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản của Trường đã có nhiều nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng, thích nghi với sự thay đổi môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Điển hình như trong lĩnh vực trồng trọt và phát triển nông thôn, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đã được nhân rộng thêm 800 ha trong tỉnh và được tỉnh Bến Tre áp dụng phát triển vùng lúa chất lượng cao; các mô hình trồng rau an toàn tại trường được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá…

Bên cạnh đó, nhiều mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực chăn nuôi, thuỷ sản, công nghệ thực phẩm như: quy trình nuôi bò vỗ béo, nuôi heo đệm lót sinh học, nuôi vịt biển, vịt trời, nuôi lươn… thích ứng biến đổi khí hậu do trường nghiên cứu cho hiệu quả cao đang được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai nhân rộng./.

Thanh Hoà/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN