Nghệ An: Đẩy mạnh triển khai Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020
(ĐCSVN) - Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015 có tác động tích cực đến đời sống của đồng bào các dân tộc vùng miền núi khó khăn tỉnh Nghệ An. Giai đoạn 2016 – 2020, được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ đầu tư Chương trình 135, tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu để xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả nhất.
Được hỗ trợ 2 con bò từ Chương trình 135, gia đình anh Lương Văn Phú, dân tộc Thái
ở xóm Phong Quang, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã thoát nghèo bền vững
(nguồn ảnh: molisa.gov.vn)
Giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình 135 của tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 107 xã khu vực 3, xã biên giới và xã an toàn khu và 184 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc 65 xã khu vực 1 và khu vực 2 với tổng vốn đầu tư gần 115 tỷ đồng, với gần 20.000 hộ hưởng lợi. Chương trình đã hỗ trợ các con giống như bò, dê, lợn giống, gia cầm, các loại giống cây trồng như lúa, chanh leo, gấc cao sản, mía, chè, cao su…..; các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và tập huấn khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, hầu hết các hộ gia đình được hỗ trợ đã thoát nghèo, nhiều hộ trở thành hộ khá và tiến tới làm giàu. Chương trình cũng đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 731 tỷ đồng; xây dựng mới hơn 1.000 công trình; duy tu, sửa chữa trên 300 công trình tại các xã, thôn, bản.
Nhiều công trình hạ tầng như giao thông liên thôn, liên bản, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng... được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Những mô hình, công trình từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135 đã và đang góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các xã, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 36,19% năm 2010 xuống còn 16,54% năm 2015; giảm bình quân gần 4%/năm. Kết thúc giai đoạn 3, toàn tỉnh cơ bản không còn hộ thiếu đói giáp hạt; đã có xã Thạch Giám huyện Tương Dương và 25 thôn bản hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Nghệ An, hiện địa phương còn 60% số trạm y tế xã chưa được chuẩn hóa. Nhiều công trình hạ tầng giáo dục, văn hóa... chưa được đầu tư xây dựng để đạt mục tiêu của Chương trình 135. Một số công trình thiết yếu ở thôn, bản như thủy lợi nhỏ và vừa, giao thông nội vùng vẫn chưa được xây dựng.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn vốn để thực hiện Chương trình 135 chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương, trong khi một số địa phương miền núi chưa phát huy tối đa sức sáng tạo, ý thức tự lực của toàn thể cộng đồng. Việc huy động nguồn vốn đóng góp từ các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân để thực hiện chương trình còn hạn chế. Mặt khác, một số xã được giao làm chủ đầu tư, quản lý thực hiện Chương trình 135 thiếu chặt chẽ, tiến độ chậm.
Nhằm thực hiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất và nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, tỉnh Nghệ An nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ xã, thôn, bản thuộc khu vực I, II, III sau khi đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 với mức 500 triệu đồng/xã và 100 triệu đồng/thôn từ ngân sách của tỉnh để động viên, khuyến khích các xã phấn đấu nỗ lực ra khỏi diện đầu tư Chương trình 135.
Ông Vương Đình Lập – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết; Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền; Tiếp tục lồng ghép các chương trình, huy động các nguồn vốn đầu tư cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; Tăng cường giám sát của HĐND, MTTQ, các cơ quan đoàn thể xã hội các cấp và cộng đồng; Cải tiến đầu tư và phối hợp với ngân hàng chính sách cho vay vốn ưu đãi để bà con phát triển, mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa; Đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số./.