Ngày “Quốc tế đỏ 1/8/1930” và truyền thống ngành Tuyên giáo
(ĐCSVN) - Ngày 1/8/1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1-8”. Bắt đầu từ năm 2000, ngày 1/8 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng; từ sau năm 2007 là Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo.
Sự ra đời của ngày “Quốc tế đỏ 1/8/1930”
Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng. Ban Cổ động và Tuyên truyền có nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng.
Ngày 1/8/1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1-8”. Ngay sau khi phát hành, tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.
Công tác tuyên giáo góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh minh họa: tuyengiao.vn |
Đánh giá cao sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.
Lịch sử hình thành và phát triển của ngành Tuyên giáo
- Tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương là Ban Tuyên truyền và Cổ động. Ban Tuyên truyền và Cổ động được thành lập ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930. Do điều kiện khách quan cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa.
- Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I họp từ ngày 14 đến 30/10/1930 tại Hương Cảng, hội nghị đã ra nghị quyết lập Bộ Tuyên truyền, Bộ Tổ chức và Bộ Công nhân vận động. Nhiệm vụ ban đầu của Bộ Tuyên truyền là tuyên truyền và cổ động Chủ nghĩa Cộng sản.
- Giữa năm 1941, Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Ban Tuyên truyền tại các Tỉnh ủy, nhằm mục đích tuyên truyền đường lối của Đảng, gây dựng cơ sở bền vững chuẩn bị cách mạng toàn quốc sau này.
- Đầu năm 1944, Bộ Tuyên truyền cổ động Việt Minh ra đời. Ban Tuyền truyền cổ động Trung ương là cơ quan tham mưu cho Bộ.
- Sau cách mạng tháng 8/1945, Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương đảm nhiệm nhiệm vụ mới, tuyên truyền chủ trương chính quyền cách mạng mới, ngày độc lập, xóa mù chữ... Đặc biệt là tuyên truyền đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.
- Ngày 14/5/1950 Ban Tuyên truyền Trung ương và Ban Giáo dục Trung ương được thành lập.
- Ngày 16/4/1951, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương.
- Ngày 1/12/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng hợp nhất Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Văn giáo Trung ương thành Ban Tuyên huấn văn giáo, gọi tắt là Ban Tuyên giáo Trung ương.
- Ngày 30/l/1968, Bộ Chính trị ra Nghị quyết chia tách Ban Tuyên giáo Trung ương làm Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương.
- Ngày 11/4/1989, Bộ Chính trị quyết định sáp nhập Ban Văn hoá - Văn nghệ Trung ương (thành lập năm 1980) với Ban Tuyên huấn Trung ương, lấy tên là Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương.
- Ngày 11/4/2007, Bộ Chính trị ra quyết định sáp nhập Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương.
Logo Ban Tuyên giáo Trung ương |
Những đóng góp của ngành Tuyên giáo
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Công tác tuyên giáo giữ vị trí quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, góp phần xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ”. Thấm nhuần tư tưởng ấy, cùng với tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ sẽ là động lực để ngành Tuyên giáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Trong toàn bộ quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những thắng lợi vĩ đại mà Đảng và Nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc đều có sự đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo của Đảng.
Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, công tác tuyên giáo đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử. Công tác tuyên giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dưỡng tinh thần, giác ngộ tư tưởng, xây dựng sức mạnh đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân.
Dù tên gọi, cơ cấu, tổ chức và đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo có những thay đổi phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, ngành Tuyên giáo và công tác Tuyên giáo đã trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần xây dựng nền tảng chính trị của chế độ, nền tảng tinh thần của xã hội, hoạch định hệ thống quan điểm lý luận, cương lĩnh, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt là từ năm 1986, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, với chức năng là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, tham mưu giúp các cấp ủy đảng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa giáo, công tác tuyên giáo đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện sự nghiệp đổi mới và đã đạt được những thắng lợi bước đầu. Sự đóng góp của công tác tuyên giáo được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực nổi bật, đó là tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam; nâng cao uy tín và vị thế của đất nước; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ngành Tuyên giáo “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” |
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công tác tuyên giáo tiếp tục được xác định là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của công tác xây dựng Đảng, bao gồm chính trị, tư tưởng, và tổ chức. Ngành Tuyên giáo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã đóng vai trò đi trước - mở đường, bảo đảm cho sự trường tồn và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Với vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, công tác tuyên giáo đã trở thành niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khi tiếp tục đảm nhận vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, góp phần bảo vệ vững chắc, bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng và xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, nhất là trong tình hình thế giới và khu vực đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng để hoàn thành trọng trách mà Đảng và Nhân dân tin tưởng, giao phó, trong suốt những năm qua, những người làm công tác Tuyên giáo cũng như các “binh chủng” thuộc ngành Tuyên giáo luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng và thấm nhuần sâu sắc sứ mệnh của mình, không ngừng đổi mới và sáng tạo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Những đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo và công tác Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng là động lực để đội ngũ cán bộ Tuyên giáo hôm nay tiếp tục vững bước đi lên, viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo trong giai đoạn mới và không ngừng phấn đấu trở thành trở thành những chiến sĩ kiên trung trên mặt trận tư tưởng, tuyên giáo của Đảng, đoàn kết, sáng tạo, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân./.