Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 5/4

Thứ Sáu, 05/04/2024 08:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 5/4/1937, Công nhân nhà máy Ba Son (Sài Gòn) tiến hành bãi công. Những yêu sách mà công nhân đưa ra trong cuộc bãi công bao gồm: Cải thiện giờ làm việc; Tǎng lương và phụ cấp; Tuyển lại công nhân bị chủ sa thải...

Sự kiện trong nước:

- Ngày 5/4/1937, Công nhân nhà máy Ba Son (Sài Gòn) tiến hành bãi công. Những yêu sách mà công nhân đưa ra trong cuộc bãi công bao gồm: Cải thiện giờ làm việc; Tǎng lương và phụ cấp; Tuyển lại công nhân bị chủ sa thải... Cuộc bãi công kéo dài một tháng đã thể hiện khối đoàn kết nhất trí của công nhân Ba Son. Với các hình thức đấu tranh liên tục và quyết liệt đã buộc giới chủ phải nhượng bộ. Thắng lợi này đã cho thấy sự kiên trì và những đòi hỏi chính đáng tỏ rõ hiệu quả. Đồng thời chứng tỏ sự lớn mạnh của công nhân nhà máy Ba Son - Một nhà máy giàu truyền thống đấu tranh. Cũng trong cuộc bãi công này, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã tích cực ủng hộ và kết hợp đấu tranh như mít tinh hoặc đưa ra các khẩu hiệu.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm công nhân nhà máy Ba Son
sau ngày đất nước thống nhất (tháng 11/1975) 

- Ngày 5/4/1948, Bác Hồ viết 12 điều răn yêu cầu mọi người phải nhớ và thực hành khi tiếp xúc với dân. Gồm 6 điều không nên: Không nên làm điều gì có thể thiệt đến nương vườn, hoa màu, hoặc làm bẩn, làm hư nhà cửa, đồ đạc của dân; Không nên nǎn nỉ quá hoặc mượn cho bằng được những đồ vật người ta không muốn bán hoặc cho mượn; Không nên đưa gà còn sống vào nhà đồng bào miền ngược; Không bao giờ sai lời hứa; Không nên xúc phạm đến tín ngưỡng phong tục của dân; Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ.

6 điều nên làm: Giúp công việc thực tế hàng ngày cho đồng bào (như việc gặt hái, lấy củi, nước, vá may...); Tùy khả nǎng mà mua giùm những đồ cần dùng cho những người ở xa chợ búa (như dao, muối, kim, chỉ, bút, giấy...); Nhân những lúc rảnh, kể cho đồng bào nghe những chuyện vui ngắn, giản dị có ích lợi cho tinh thần kháng chiến mà không lộ bí mật; Dạy dân chữ quốc ngữ và những điều vệ sinh thường thức; Nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục mọi nơi, trước là để gây cảm tình và sau để dần dần giải thích cho dân bớt mê tín; Làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chǎm công việc, trọng kỷ luật.

Để cổ động, Bác viết bài thơ: “Mười hai điều trên/ Ai chả làm được/ Hễ người yêu nước/ Nhất quyết không quên/ Tập thành thói quen/ Muôn người như một/ Quân tốt, dân tốt/ Muôn sự đều nên/ Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

- Ngày 5/4/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố "Pháp lệnh quy định cơ quan phụ trách quản lý công tác phòng cháy chữa cháy và chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan phòng cháy chữa cháy". Pháp lệnh này đã được ủy ban thường vụ Quốc hội nước ta thông qua ngày 23/3/1963. Đây là vǎn bản đầu tiên có tính chất pháp quy về công tác phòng cháy chữa cháy.

- Ngày 5/4/1965, Hồ Chủ tịch đã gửi thư khen bộ đội không quân đánh trận, Bác viết: "Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện khẩu hiệu "Đã đánh là thắng". Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta. Bác gửi lời khen ngợi các chú và nhắc các chú phải luôn luôn:

- Nâng cao tinh thần " Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Thắng không kiêu, khó không nản.

- Ra sức rèn luyện để tiến bộ mãi.

- Đoàn kết chặt chẽ với các đơn vị bạn và với nhân dân.

Chúc các chú lập nhiều chiến công hơn nữa.

Chào thân ái và quyết thắng".

- Từ ngày 5 - 7/4/1972 bộ đội ta liên tục tấn công địch ở thị xã Lộc Ninh (Bình Long), đã đánh gục sư đoàn 5, diệt trung đoàn thiết giáp 1 của ngụy. Thị xã Lộc Ninh với 28 nghìn dân được giải phóng. Đồng thời vùng giải phóng miền Nam cũng được mở rộng. Thị xã Lộc Ninh trở thành thủ đô của Chính phủ Cách mạng lâm thời giải phóng miền Nam Việt Nam. Nơi đây đã diễn ra các đợt trao trả tù binh của 2 bên.

Đồng chí Trần Văn Trà triển khai kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 ở Bình Long 

- Vào ngày 5/4/1982, mẻ than cốc đầu tiên được chế luyện từ loại than gầy Quảng Ninh đã ra lò tại Khu gang thép Thái Nguyên. Với thành công này và công suất 6,7 tấn than cốc/năm, Khu gang thép Thái Nguyên đã tự cung cấp nhu cầu về than cốc trong công nghiệp gang thép. Trước đó ta vẫn phải mua than cốc của nước ngoài. Việc sản xuất thành công than cốc trong nước cho phép giảm chi phí nhập khẩu và các nhà máy của ta chủ động nguyên liệu than cốc.

Sự kiện quốc tế:

* Ngày 5/4/1974 chính thức thành lập hội đồng Quốc gia chính trị Liên hiệp Lào và Chính phủ liên hiệp dân tộc (lần thứ ba) do hoàng thân Xuvanaphuma làm thủ tướng, và Hội đồng quốc gia chính trị hiệp thân do hoàng thân Xuvanaphuma làm chủ tịch... Cũng từ đây phong trào nhân dân đòi phế bỏ chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ ở Lào lên cao. Đó là nền móng của việc thành lập chế độ cộng hoà dân chủ nhân dân tháng 12/1975 tại Lào.

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN