Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 21/11

Thứ Năm, 21/11/2024 08:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 21/11/1946: Bác Hồ đến dự lễ khai giảng Trường Quân y khoá I tại Viện Giải phẫu Hà Nội và căn dặn: “Phải chăm lo học hành và gắng thực hiện 5 điều: Hăng hái, hy sinh, bác ái, đoàn kết, kỷ luật”. Đây có thể coi là những chuẩn mực về y đức của cán bộ y tế cách mạng Việt Nam.

Sự kiện trong nước 

- Ngày 21/11/1931: Ngày hy sinh của anh Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản ưu tú của cách mạng Việt Nam. 

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914, quê ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, đồng chí Lý Tự Trọng luôn thể hiện sự mưu trí, bản lĩnh cách mạng vững vàng, không ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Khi bị địch bắt, tra tấn dã man, Anh vẫn giữ vững niềm tin sắt đá, khí tiết cách mạng kiên cường, bất khuất của người chiến sỹ cộng sản.

Anh hùng Lý Tự Trọng (1914 - 1931) 

Trước lúc hy sinh, Anh đã để lại “tuyên ngôn bất tử” trước tòa án đại hình của thực dân Pháp: “Tôi hành động có suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Tuyên ngôn đó mãi là ngọn lửa soi đường, là động lực để lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam vững niềm tin đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

- Ngày 21/11/1946: Bác Hồ đến dự lễ khai giảng Trường Quân y khoá I tại Viện Giải phẫu Hà Nội và căn dặn: “Phải chăm lo học hành và gắng thực hiện 5 điều: Hăng hái, hy sinh, bác ái, đoàn kết, kỷ luật”. Đây có thể coi là những chuẩn mực về y đức của cán bộ y tế cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bệnh viện thành phố Nam Định năm 1963. Ảnh: TTXVN 

- Ngày 21/11/1953: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào, bộ đội và cán bộ Tây Bắc. Trong thư, Người động viên “Kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ, gian khổ, tự lực cánh sinh. Đồng bào và bộ đội của ta ở Tây Bắc phải hăng hái tham gia công cuộc kháng chiến để cùng đồng bào, bộ đội và cán bộ toàn quốc đánh đuổi giặc Tây, giặc Mỹ và tranh lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân”.

- Ngày 21/11/1958: Ngày mất của giáo sư, bác sĩ vi trùng học Hoàng Tích Trí. Giáo sư là người đạt nền tảng cho ngành vi sinh học Việt Nam, nền tảng cho y khoa dự phòng và là tác giả của nhiều công trình huyết học, vi sinh vật học, ký sinh trùng học mở đường cho việc phòng chống những bệnh xã hội nguy hiểm. Ông là một trong 9 giáo sư đầu tiên của ngành Y dược được Nhà nước công nhận năm 1955. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I và là Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ tháng 11/1946 đến năm 1958. Sau khi ông mất, tên ông được đặt cho một con đường ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.

- Ngày 21/11/1958 là ngày truyền thống Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Ngành Triển lãm Việt Nam được thành lập ngày 21/11/1958, khi tách ra từ Vụ Văn hóa Đại chúng thành một ngành riêng trực thuộc Bộ Văn hóa với tên gọi Sở Triển lãm và Bảo tồn - Bảo tàng. Ngay sau đó, một Khu triển lãm Quốc gia - tiền thân của Trung tâm Triển lãm Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày nay được xây dựng tại Vân Hồ, Hà Nội. Trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, tạo không gian và môi trường giao lưu văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước; tôn vinh, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và quảng bá tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam…

- Ngày 21/11/1979: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký lệnh công bố “Pháp lệnh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” (được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 14/11/1979). Pháp lệnh này được nâng lên thành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 (được sửa đổi bổ sung năm 2004). Sau một thời gian thực hiện, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, tại kỳ họp thứ 11, ngày 5/4/2016, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Trẻ em.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại Hà Nội năm 1966. Ảnh: Bqllang.gov.vn.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 21/11/1992: Ngày mất của Tổng Bí thư, Chủ tịch Ban Chấp hành trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch nước nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Kaysone Phomvihane. Là một trí thức yêu nước, rất tâm huyết với nhân dân các bộ tộc Lào, ông luôn luôn phấn đấu không mệt mỏi vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng vào việc lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng Lào đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ông có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Đảng Nhân dân cách mạng Lào và xây dựng nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào hòa bình, độc lập.

- Ngày 21/11: Ngày Thế giới Tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ (World Day of Remembrance for Road Traffic Victims). Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ được tổ chức nhằm tưởng nhớ những người đã mất đi trong các cuộc tai nạn giao thông. Ngoài ra, vào ngày này các tổ chức nhằm tuyên truyền mọi người nâng cao ý thức tuân thủ luật giao thông, để bảo vệ gia đình và xã hội. 

- Ngày 21/11: Ngày Truyền hình Thế giới (World Television Day). Được Liên hợp quốc thông qua vào năm 1996, ngày Truyền hình Thế giới nhằm khuyến khích các quốc gia trao đổi những chương trình truyền hình tập trung vào những vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển trên thế giới và tăng cường việc trao đổi văn hóa./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN