Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 19/11

Thứ Ba, 19/11/2024 07:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 19/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng Sa Pa (Lào Cai). Bức thư Bác gửi không chỉ dành riêng cho thiếu nhi Sa Pa mà còn lan toả tình yêu thương đối với thiếu nhi các dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Sự kiện trong nước

- Ngày 19/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng Sa Pa (Lào Cai). Bức thư Người viết chỉ sau 11 ngày Sa Pa được giải phóng lần thứ nhất khi nhận được 2 chiếc gậy song do thiếu nhi Sa Pa gửi biếu. Nội dung bức thư Bác Hồ gửi như sau:

“Các cháu yêu quý, Bác đã nhận được thư và hai cái gậy roi. Cảm ơn các cháu. Tuy Bác ở xa, nhưng lòng Bác nhớ đến các cháu luôn luôn. Bác khuyên các cháu giữ gìn kỷ luật, và ra sức học hành. Cháu nào chưa biết chữ quốc ngữ, phải học cho biết. Cháu nào biết rồi, thì gắng giúp anh em chị em học cho biết. Làm sao cho đồng bào ở Xã Ba ai cũng biết chữ quốc ngữ, thì Bác sẽ vui lòng và khen các cháu chăm ngoan. Bác thay mặt cho anh chị em nhi đồng Hà Nội, gửi lời thân ái thăm các cháu”.                                                                                                                                             

 Thiếu nhi Sa Pa bên Đài Sen Bác Hồ. Ảnh: La Văn Tuất 

Lời Bác trong bức thư vừa là lời thăm hỏi ân cần vừa là lời dạy, lời khích lệ, động viên của Bác đối với  thiếu nhi Sa Pa, nơi mà các cháu đang ở một vùng đất xa xôi, khó khăn và thiếu thốn các điều kiện sống và học tập. Bức thư Bác gửi không chỉ dành riêng cho thiếu nhi Sa Pa mà còn lan toả tình yêu thương đối với thiếu nhi các dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Để ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ đối với thiếu nhi, thể hiện tình cảm thiêng liêng Bác Hồ dành cho thiếu nhi các dân tộc nơi đây, tại vị trí trung tâm thị xã Sa Pa, công trình “Đài sen thư Bác” được xây dựng bằng đá xanh tạc hình đoá sen đang xoè cánh, ở giữa khắc toàn bộ nội dung bức thư Bác Hồ gửi thiếu nhi Sa Pa. Công trình được UBND huyện Sa Pa hoàn thành vào tháng 11/2008, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa và phát động các phong trào thi đua báo công dâng Bác của tuổi trẻ vùng cao Sa Pa.

- Ngày 19/11/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 258/SL về “Tổ chức và nhiệm vụ của Công an Quân pháp trong thời kỳ kháng chiến” - Tổ chức tiền thân của ngành Điều tra hình sự Quân đội ngày nay.

Để đáp ứng nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và Quân đội, ngày 21/2/1981, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QĐ-BQP đổi tên các cơ quan Quân pháp thành Cơ quan Điều tra hình sự, tên gọi Ngành Điều tra hình sự trong Quân đội chính thức được bắt đầu từ đây.

Ngày 26/7/1997, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 984/QĐ-QP, lấy ngày 19/11/1948 làm ngày truyền thống của ngành.

Thượng tướng Võ Minh Lương gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì lên Quân kỳ Quyết thắng của Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Ảnh: Đức Anh

Hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cơ quan Điều tra hình sự các cấp đã thường xuyên tham mưu cho cấp ủy và người chỉ huy trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, giữ nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, góp phần giữ vững và phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.

- Ngày 19/11/1967: Lần đầu tiên không quân Việt Nam bắn rơi một máy bay EB 66 của Mỹ. Biên đội Mig 21 của phi công Vũ Ngọc Đỉnh và Nguyễn Đǎng Kính đã lập chiến công này.

EB - 66 được mệnh danh là "Trung tâm điện tử di động" mang theo nhiều thiết bị điện tử rất hiện đại của nền khoa học công nghệ Mỹ lúc bấy giờ.  Chức nǎng chính EB 66 là gây nhiễu, làm giảm hiệu lực chiến đấu của các lực lượng phòng không và không quân của ta. EB 66 còn trinh sát, phát hiện tần số và vị trí các đài ra-đa, làm vô hiệu hoặc mục tiêu cho máy bay cường kích đánh phá hủy diệt.

- Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối với mạng lưới Internet toàn cầu, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin và truyền thông nước ta. VNPT, Netnam là những doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ Internet. Giờ đây, Việt Nam trở thành một nước mạnh về viễn thông – Internet với công nghệ hiện đại, mức phổ cập Internet cao. Internet đã trở thành một phần không thể thiếu, có mặt ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội của hàng triệu người dân Việt Nam và là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 19/11/1988, chỉ 4 ngày sau khi "Nhà nước Palestine" tuyên bố thành lập, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận Nhà nước Palestine và nâng quan hệ giữa hai nước lên cấp Đại sứ. Sau 36 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1988 - 2024), trên nền tảng của tình hữu nghị, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, quan hệ Việt Nam - Palestine đã có những bước tiến triển tích cực trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, an ninh, quốc phòng...

- Ngày 19/11 là Ngày Quốc tế Đàn ông. Đây là dịp để ghi nhận, tôn vinh những thành tựu và đóng góp của đàn ông trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, xây dựng,... đặc biệt là những đóng góp tích cực trong hôn nhân, nuôi dạy và chăm sóc con cái để xây dựng gia đình hiện đại. Ngày Quốc tế Đàn ông hiện đã được tổ chức hằng năm tại hơn 170 quốc gia./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN