Ngày này năm xưa: 20/11
(ĐCSVN) - Ngày 20/11/1958, Lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Những năm sau đó, việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam.
Sự kiện trong nước
- Ngày 20/11/1958, Lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta sau hơn 1 năm khi bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20/11 hằng nǎm là "Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo" được Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Warszawa (Ba Lan) thông qua. Những năm sau đó, việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn:ITN |
Khi Việt Nam thống nhất, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Ngày Nhà giáo Việt Nam đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam tôn vinh những người làm công tác trồng người.
- Ngày 20/11/1965, chiến thắng Đức Lập, Long An với 3 lần tấn công quân địch, bộ đội ta tiêu diệt 3 tiểu đoàn, 5 đại đội, 6 trung đội, tổng cộng khoảng 1.800 quân địch, thu nhiều vũ khí đạn dược, góp phần phá hủy kế hoạch phòng thủ từ xa của địch ở những vị trì then chốt quanh Sài Gòn. Đây là một trong những chiến công vang dội nhất của quân và dân Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày nay, những chiến công của 3 lần công đồn Đức Lập còn ghi lại tại bia Chiến thắng trong khuôn viên Tiểu học Đức Lập Thượng A, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - một địa điểm giáo dục truyền thống ý nghĩa và hiệu quả tại địa phương.
- Ngày 20/11/1967, Tỉnh đội Quảng Bình thành lập Đội nữ pháo binh Ngư Thủy. Ban đầu, Đại đội chỉ có 37 cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ các cô gái có độ tuổi từ 16-20, mới rời ghế nhà trường và sản xuất ở địa phương, sau tăng lên 91 cán bộ, chiến sĩ.
Các pháo binh Ngư Thủy tác chiến năm 1969 (Ảnh tư liệu) |
Trong quá trình chiến đấu, Đại đội nữ Pháo binh Ngư Thuỷ đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, được tặng thưởng nhiều huân chương quân công, chiến công và bằng khen, giấy khen các loại. Đặc biệt, ngày 25/8/1970, Đại đội nữ Pháo binh Ngư Thuỷ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hình ảnh của những cô gái anh dũng của Đại đội pháo binh nữ trở nên nổi tiếng trong thơ ca, văn học, đặc biệt được cả nước và quốc tế biết đến qua hai bộ phim “Những cô gái Ngư Thủy” và “Trở lại Ngư Thủy”.
- Ngày 20/11/1991, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ chính thức được khởi công xây dựng và khánh thành ngày 30/4/1995 với 2 tổ máy phát loại 75 MW. Đây là nhà máy thủy điện đầu tiên do những kỹ sư, chuyên gia của Việt Nam thiết kế, giám sát và thi công.
Công trình thủy điện Thác Mơ nằm trên thượng nguồn sông Bé, thuộc địa phận 3 huyện, thị (thị xã Phước Long, huyện Bù Đăng và huyện Bù Gia Mập) tỉnh Bình Phước, Sau hơn 25 năm đi vào vận hành, thủy điện Thác Mơ đã đóng góp cho hệ thống điện Quốc gia trên 20 tỷ kWh điện. Với những thành tựu đạt được, thủy điện Thác Mơ đã khẳng định được thương hiệu, đặc biệt đóng góp lớn vào nền kinh tế của địa phương.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 20/11/1910, ngày mất đại văn hào Nga Lev Tolstoy. Lev Tolstoy (1828-1910) tên đầy đủ là Lev Nikolayevich Tolstoy là một trong những tiểu thuyết gia thành công nhất nước Nga. Ông được cả thế giới công nhận tài năng qua những tác phẩm có giá trị như: Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karenina, Đường sống, Phục sinh…
- Ngày 20/11/1981: Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN (ACWO) (tiếng Anh: ASEAN Confederation of Women’s Organisations) được chính thức thành lập tại một cuộc họp ở Jakarta, Inđônêxia. Đây là một tổ chức liên chính phủ, bao gồm Hội đồng cấp quốc gia của các tổ chức phụ nữ trong mỗi nước thành viên ASEAN, với nỗ lực thúc đẩy sự tham gia, đóng góp và thụ hưởng của phụ nữ trong quá trình phát triển ở mỗi quốc gia và khu vực. Trụ sở chính của liên đoàn đặt tại Waterloo, Singapore.
- Ngày 20/11/1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Công ước có 54 điều khoản bao gồm tất cả các khía cạnh của cuộc sống của trẻ và đặt ra các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa mà tất cả trẻ em ở khắp mọi nơi đều được hưởng; đồng thời giải thích cách người lớn và chính phủ phải làm việc cùng nhau để đảm bảo tất cả trẻ em đều có thể được hưởng tất cả các quyền của mình. Đây là tuyên bố đầy đủ nhất về quyền trẻ em từng được sản xuất đưa ra và là hiệp ước quốc tế về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990./.