Ngày này năm xưa: 24/11
(ĐCSVN) - Ngày 24/11/1946: Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được khai mạc trọng thể tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào Văn hóa toàn quốc và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội đã đến dự hội nghị.
Sự kiện trong nước
- Ngày 24/11/1929, hơn 500 công nhân Cảng Hải Phòng tiến hành cuộc đấu tranh đầu tiên với chủ người Pháp đòi tăng lương, nước uống, giảm giờ làm, chống đánh đập và giành được thắng lợi. Từ đó, ngày 24/11 hằng năm trở thành ngày truyền thống của đội ngũ công nhân Cảng, trở thành biểu tượng tinh thần cách mạng tiến công của đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng nói riêng, giai cấp công nhân Việt Nam nói chung.
- Ngày 24/11/1946: Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Hơn 200 nhà hoạt động văn hoá đại diện cho phong trào văn hoá toàn quốc và đại diện Chính phủ, Uỷ ban Thường trực Quốc hội đã đến dự. Hội nghị lần thứ nhất đã đặt cơ sở cho việc xây dựng nền văn hóa mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hoá Việt Nam "hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng".
Tại Hội nghị này, Người đã khẳng định: Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện Độc lập, Tự cường và tự chủ. Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
- Ngày 24/11/1951, Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch tấn công quân Pháp ở Hòa Bình. Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952 chia thành 3 đợt, với trận đánh mở màn ở cứ điểm Tu Vũ - núi Chẹ. Đây là chiến dịch tiến công lớn nhất của quân ta từ khi bắt đầu toàn quốc kháng chiến.
Lực lượng dân công vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952. Ảnh: Baotanglichsu.vn. |
Trải qua hơn hai tháng hoạt động tác chiến, Chiến dịch Hòa Bình đã giải phóng khoảng 2.000 km2, tiêu diệt hơn 5.000 tên và bắt sống gần 700 tên; thu giữ nhiều vũ khí, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Đặc biệt là đánh bại âm mưu chiếm đóng vùng tự do, phá tan ý đồ giành thế chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc Bộ; nối thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3 và Liên khu 4, tạo điều kiện cho những thắng lợi quan trọng về sau.
Mở Chiến dịch Hòa Bình là quyết định táo bạo, nhạy bén, đúng đắn của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tư lệnh. Nhờ chủ động dự báo tình hình chính xác; chuẩn bị nhanh chóng, chu đáo; sử dụng và chấn chỉnh lực lượng kịp thời; nhanh chóng chuyển loại hình chiến dịch phản công sang chiến dịch tiến công; phối hợp chặt chẽ với mặt trận sau lưng địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ... tạo nên một bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.
Núi lửa Nâm Kar trong quần thể Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông. Ảnh: Trần An |
- Ngày 24/11/2020: Công viên địa chất Đắk Nông đón nhận danh hiệu là Công viên địa chất toàn cầu.
Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Toàn bộ Công viên địa chất Đắk Nông có khoảng 65 điểm di sản, địa mạo, bao gồm hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước. Nơi đây có hệ thống hang động núi lửa đồ sộ nhất Đông Nam Á với 50 hang động, có tổng chiều dài hơn 10.000m. Công viên địa chất Đắk Nông còn có nhiều nét độc đáo về văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa như M’Nông, Mạ, Ê Đê….
Trước đó, ngày 7/7/2020, UNESCO đã công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu. Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng).
Sự kiện quốc tế
- Ngày 24/11/1642: Nhà thám hiểm người Hà Lan Abel Tasman trở thành người châu Âu đầu tiên khám phá ra đảo Xứ sở Van Diemen, sau đổi tên là Tasmania./.