Ngày này năm xưa: 31/3
(ĐCSVN) - Ngày 31/3/1981, Bộ Tổng tham mưu đã ký Quyết định thành lập Nhà máy Z183, trên cơ sở phần còn lại của Nhà máy Z1 được thành lập từ năm 1957 tại xã Minh Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái) với nhiệm vụ sản xuất các mặt hàng kinh tế và một số mặt hàng quốc phòng phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Sự kiện trong nước:
- Ngày 31/3/1949: Tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ báo cáo và phân tích tình hình thế giới và nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông báo về tình hình quân sự và Bộ trưởng Lê Văn Hiến báo cáo về hoạt động của Hội đồng Quốc phòng tối cao.
- Ngày 31/3/1968: Sau hơn hai tháng tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, ở Huế, ta đã làm chủ thành phố 25 ngày, thành lập Chính quyền Cách mạng. Ở Sài Gòn - Gia Định, đặc công biệt động tiến công đồng loạt các cơ quan của Mỹ - Ngụy như: Tòa đại sứ Mỹ, dinh Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Nha Cảnh sát, Đài phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất... Các lực lượng vũ trang trên toàn miền đồng loạt tiến công nhiều sở chỉ huy quân đoàn, sư đoàn tiểu khu, chi khu quân sự Ngụy, 45 sân bay, nhiều tổng kho bến tàu, cǎn cứ hải quân...
- Ngày 31/3/1968: Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, đồng thời thông báo quyết định hạn chế hoạt động của Mỹ ở Việt Nam. Cùng với đó, ra lệnh ngừng ném bom bắn phá hạn chế miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra (đến ngày 1/11/1968 thì ngừng ném bom bắn phá hoàn toàn miền Bắc) và cử người đàm phán hai bên từ ngày 13/5/1968. Thông báo đó của Tổng thống Mỹ Johnson là sự thừa nhận thất bại của Mỹ trong “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Tết Mậu Thân 1968 và những tác động mạnh mẽ của nó đã dội về nước Mỹ, cùng với những biến động ở thế giới và trong lòng nước Mỹ đã khiến giới lãnh đạo Mỹ phải soát xét lại toàn bộ đường lối, cách thức tiến hành chiến tranh ở Việt Nam cũng như chiến lược toàn cầu của mình.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh họp chỉ đạo tác chiến. (Ảnh tư liệu) |
- Ngày 31/3/1975: Bộ Chính trị họp, sau khi nhận định tình hình, đã quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, với tư tưởng chỉ đạo là "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".
Ở Bình Ðịnh, 5 giờ 15 phút ngày 31/3, trận công kích toàn diện của ta vào toàn bộ tuyến phòng thủ của địch ở đây cùng lúc diễn ra. Trung đoàn 12 và Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 đánh cụm quân địch. Trung đoàn 95A đánh vào Phú Phong. Sư đoàn 968 tiếp tục tiến công địch ở núi Trà Lam Sơn. Một mũi của Sư đoàn 968 thọc sâu đánh chiếm và giải phóng thị xã Ðập Ðá, cắt đường số 1. Vốn đã hoang mang dao động, quân địch tháo chạy hỗn độn. Thừa thắng tới 13 giờ ngày 31/3, quân và dân Bình Ðịnh phối hợp tiến công thị xã Quy Nhơn.
Tại Phú Yên, ngày 31/3, được dân quân du kích dẫn dường, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 tiến công cứ điểm Hòn Một; Tiểu đoàn 8 đánh chiếm đoạn đường 1 từ Phú Khê đến cầu ván Hòa Xuân. Cùng lúc đó, ở bắc Phú Yên, dân quân du kích và bộ đội địa phương đánh chiếm cầu Ngân Sơn, cắt Quốc lộ 1 ở phía Nam Tuy An, không cho địch dồn rút về thị xã, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực tiến công Tuy Hòa. Cùng ngày, Trung đoàn 48 và Trung đoàn 9 khẩn trương triển khai lực lượng tiến công địch ở thị xã Tuy Hòa.
Tại Bình Long, 5 giờ ngày 31/3, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) nổ súng tiến công chi khu Chơn Thành. Ðược sự chi viện của pháo binh, bộ binh ta tiến lên phá hàng rào. Ðến 10 giờ, Tiểu đoàn 7 và hai xe tăng ta chiếm được chốt bảo an. Ðến 14 giờ, địch điều Chiến đoàn 315 từ Bầu Bàng lên chi viện cho Chơn Thành. Sư đoàn 9 nhận được lệnh chuyển sang đánh địch chi viện.
Sáng 31/3, Trung đoàn 812 (Quân khu 6) có xe tăng yểm trợ đánh tan cuộc phản kích của địch ở Chi khu Di Linh. Trong khi đó, ở Tuyên Ðức, đêm 31/3, địch bỏ thành phố Ðà Lạt chạy về Phan Rang, phá sập cầu Ðại Ninh trên đường 20 để làm chậm bước tiến của bộ đội chủ lực ta lên Ðà Lạt.
Tại Khánh Hòa, để nhanh chóng đập tan "lá chắn" đèo Phượng Hoàng, sáng sớm ngày 31/3, Sư đoàn 10 tập trung sức mạnh của các đơn vị xe tăng, pháo binh, cao xạ tiến công Lữ đoàn dù ở cầu 24, cách trung tâm huấn luyện Lam Sơn 3km, tiêu diệt và làm tan rã 600 tên. Số sống sót phần bị du kích và đồng bào địa phương uy hiếp, số còn lại chạy dạt qua quốc lộ 1 về Hòn Khói. Ngay trong đêm 31/3, lữ đoàn dù số 3 của địch hoàn toàn bị tan rã. Trong khi đó, tại Ninh Hòa, chiều 31/3, đội vũ trang công tác xã Ninh Diêm đã huy động quần chúng nổi dậy giải phóng xã tiếp đó phát triển cùng với lực lượng quần chúng chiếm lĩnh và giải phóng toàn bộ khu vực Hòn Khói. Trong đêm 31/3, biết không thể giữ nổi Nha Trang, công chức và sĩ quan tại đây tự động di tản, lính ở trường hạ sĩ quan Ðồng Ðế cũng tháo chạy trong đêm.
Ðến cuối tháng 3/1975, trên địa bàn miền Ðông Nam Bộ, ta đã mở được một vùng giải phóng rộng lớn kề cạnh Sài Gòn, kéo dài từ bắc Tây Ninh, qua Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Chơn Thành; từ Mỏ Vẹt đến La Ngà qua Hoài Ðức, Tánh Linh; từ đường số 1 đến nam đường số 2, Bà Rịa.
Sau gần một tháng tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân khu - quân đoàn mạnh của địch, thu và phá hủy nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật của chúng, giải phóng các tỉnh đồng bằng miền Trung và Tây Nguyên và nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, Ðông Nam Bộ, hình thành thế hợp vây Sài Gòn - Gia Ðịnh từ nhiều hướng.
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Z183 phát huy hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế. (Ảnh: qdnd.vn) |
- Ngày 31/3/1981: Bộ Tổng tham mưu đã ký Quyết định thành lập Nhà máy Z183, trên cơ sở phần còn lại của Nhà máy Z1 được thành lập từ năm 1957 tại xã Minh Quán huyện Trấn Yên (Yên Bái) với nhiệm vụ sản xuất các mặt hàng kinh tế và một số mặt hàng quốc phòng phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Từ những ngày đầu mới thành lập gặp muôn vàn khó khăn, trang thiết bị máy móc chắp vá, không đồng bộ và xuống cấp Nhà máy đã từng bước chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức và đổi mới phương thức quản lý tập trung nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sản xuất hàng nghìn các máy công cụ cung cấp cho quân đội và kinh tế quốc dân. Bước vào thập niên cuối của thể kỷ XX, khi những sản phẩm truyền thống của Nhà máy không còn thu hút thị trường, Nhà máy đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất được nhiều sản phẩm mới. Sau đó, Nhà máy đã tích cực nghiên cứu chế tạo thành công nhiều loại thiết bị cung cấp cho các ngành công nghiệp trong nước như: ngành sản xuất pin, giấy, chế biến lâm sản, nông ngư cơ, chế tạo các phụ tùng thay thế hàng nhập ngoại cho ngành khai thác dầu khí, khai thác mỏ… Nhiều sản phẩm của Nhà máy đã đạt huy chương vàng, cúp vàng tại các Hội chợ triển lãm. Hằng năm, Nhà máy luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, với mức tăng bình quân trên 15%; việc làm, thu nhập đời sống của cán bộ công nhân viên được cải thiện nhiều. Với những thành tích đã đạt được, Nhà máy được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng giải Bạc chất lượng quốc gia cùng nhiều giải và tặng thưởng khác.
Sự kiện quốc tế:
Tháp Eiffel đã trở thành biểu tượng văn hóa của "kinh đô ánh sáng". (Ảnh: Archdaily) |
- Ngày 31/3/1889: Khánh thành tháp Eiffel tại Paris. Tháp Eiffel là một công trình kiến trúc bằng thép nằm trên công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine, thành phố Paris, Pháp. Vốn có tên nguyên thủy là Tháp 300 mét, công trình do Gustave Eiffel cùng các đồng nghiệp xây dựng nhân Triển lãm thế giới năm 1889, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp. Từ khi khánh thành vào năm 1889, tháp Eiffel là công trình cao nhất thế giới và giữ vững vị trí này trong suốt hơn 40 năm. Ngay từ ban đầu, bên cạnh chức năng du lịch, tháp Eiffel còn được sử dụng cho các mục đích khoa học. Ngày nay, tháp tiếp tục là một trạm phát sóng truyền thanh và truyền hình cho vùng đô thị Paris. Trở thành biểu tượng của "kinh đô ánh sáng", tháp Eiffel là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất toàn cầu.
- Ngày 31/3/1991: Sau 36 năm tồn tại, khối Hiệp ước Warsaw (Vác-sa-va) - liên minh quân sự giữa Liên Xô và các “quốc gia vệ tinh” thuộc Đông Âu - đã chính thức kết thúc. Khối Hiệp ước Warsaw được thành lập vào năm 1955, chủ yếu là để phản ứng trước việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ và các đồng minh Tây Âu, gồm cả nước Tây Đức mới tái vũ trang. Tuy nhiên, khi Liên Xô tan rã, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, ngày 31/3/1991, khối Hiệp ước Warsaw chấm dứt hoạt động./.