Ngày này năm xưa: 31/1
(ĐCSVN) - Ngày 31/1/1977: Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (đến ngày 4/2/1977), hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sự kiện trong nước:
- Ngày 31/1/1933, kết thúc “Vụ án Hồng Kông”, Thống đốc Hồng Kông Uyliam Pin đã gửi văn bản tới Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh báo cáo lại toàn bộ những giải pháp mà chính quyền “buộc phải giúp đỡ để đưa Nguyễn Ái Quốc trở về với nước Nga” vào một tuần trước đó (ngày 22/1), sau khi Tòa án Hoàng gia đã phán quyết phải trả tự do cho nhân vật mà bộ máy mật thám của Pháp đang truy nã.
- Ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 18B cho phép ban hành đồng bạc giấy Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở vào. Việc phát hành do Ủy ban hành chính Trung Bộ tổ chức và điều khiển. Nơi đồng bạc giấy Việt Nam phát hành thí điểm đầu tiên là thị xã Quảng Ngãi vào ngày 3/2/1946 (tức ngày mùng 2 Tết Bính Tuất). Sau đó tiền Việt Nam nhanh chóng lan ra thị trường cả nước.
- Ngày 31/1/1950: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau Liên Xô và Trung Quốc, Triều Tiên là nước thứ ba trên thế giới lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
- Ngày 31/1/1968: Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân giải phóng miền Nam chiếm được kỳ đài ở kinh thành Huế (hay còn gọi là cột cờ Cố đô Huế) và lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trong 26 ngày đêm.
Ra mắt Đoàn Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam sau Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977) |
- Ngày 31/1/1977: Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (đến ngày 4/2/1977), hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội đã hiệp thương, giới thiệu 191 vị tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch danh dự là đồng chí Tôn Đức Thắng; Chủ tịch là đồng chí Hoàng Quốc Việt.
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 31/1/1943, trận chiến Stalingrad đẫm máu kết thúc với việc Quân đoàn số 6 của Đức vốn bị quân Xô Viết bao vây từ trước, cuối cùng đã chịu đầu hàng sau thất bại thảm hại tại thành phố Stalingrad - một trận đánh kéo dài trong 6 tháng. Thống chế Field Marshal Friedrich Paulus - chỉ huy quân đoàn số 6 - bị bắt sau đó và cũng là thống chế Đức đầu tiên trong lịch sử bị bắt.
Vệ tinh Explorer 1 |
- Ngày 31/1/1958, Hoa Kỳ chính thức bước vào kỷ nguyên vũ trụ bằng việc phóng thành công vệ tinh Explorer 1 có dạng hình trụ, dài 2,03m, đường kính 0,152m, khối lượng 13,97kg, được đưa lên không gian bởi tên lửa đẩy Jupiter - C. Explorer 1 đã chứng minh sự tồn tại vành đai các hạt mang năng lượng cao bao quanh Trái Đất đã được dự đoán trước đó bởi tiến sĩ James A. Van Allen (vành đai này được đặt tên là vành đai Van Allen).
- Ngày 31/1/1961, Hoa Kỳ chính thức áp đặt lệnh cấm vận đối với Cuba. Và đến nay, lệnh cấm vận này vẫn còn có hiệu lực và là lệnh cấm vận thương mại lâu dài nhất trong lịch sử hiện đại... Liên hợp quốc đã nhiều lần bỏ phiếu với tỷ lệ phiếu thuận cao yêu cầu Hoa Kỳ huỷ bỏ lệnh cấm vận này.
- Ngày 31/1/1984, Liên đoàn Bóng đá ASEAN (AFF) được thành lập. Đây là tổ chức quản lý hoạt động bóng đá khu vực Đông Nam Á, thành viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). AFF thành lập với 6 thành viên ban đầu là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Hiện nay, AFF có 12 thành viên, bao gồm 10 nước ASEAN và 2 thành viên mở rộng là Đông Timor và Úc.
- Ngày 31/1/2020, sự kiện Brexit chính thức diễn ra. Đây là sự kiện Vương quốc Anh và Bắc Ireland chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Brexit là kết quả của cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 6/2016, với 51,9% người dân Anh đồng ý việc rời khỏi EU. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong nền chính trị quốc tế và được xem là bước ngặt cho xu thế song phương hóa, khu vực hóa, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.