Ngày này năm xưa: 30/5
(ĐCSVN) - Ngày 30/5/1946, nhân dân thủ đô Hà Nội thay mặt cho cả nước mít tinh tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thǎm Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp.
Sự kiện trong nước:
- Nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả Phan Kế Bính sinh nǎm 1875, mất ngày 30/5/1921. Ông quê ở Hà Nội. Nǎm 1906 ông đỗ cử nhân, không ra làm quan, sống với nghề dạy học. Ông viết báo từ nǎm 1907, phụ trách phần tiếng Hán trong Đăng Cổ Tùng báo. Rồi lần lượt cộng tác với các báo Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn. Ông đã có nhiều tác phẩm có giá trị như Nam Hải dị nhân, Hưng Đạo đại vương truyện, Việt Nam phong tục, Việt Hán văn khảo. Ông cũng là dịch giả các truyện Tam Quốc chí, Đại Nam điển lễ toát yếu, Việt Nam khai quốc chí truyện.
- Ngày 30/5/1946, nhân dân thủ đô Hà Nội thay mặt cho cả nước mít tinh tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Trước khi lên đường, Hồ Chủ tịch đã nói chuyện với đồng bào cả nước mục đích chuyến đi và 4 điều cần làm để giúp cho cuộc ngoại giao thắng lợi. Đó là: Đoàn kết chặt chẽ, tránh cho cuộc chia rẽ; ra sức cần kiệm cho khỏi nạn đói khổ; ra sức gìn giữ trật tự, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ; đối với kiều dân hữu bang phải tử tế, ôn hòa. Đồng thời Người còn gửi tới đồng bào Nam Bộ bức thư tâm huyết với lời khẳng định: Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.
Nhân dân Thủ đô Paris chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nước Pháp (7/1946). Ảnh tư liệu |
- Ngày 30/5/1949, trong bài viết: “Thế nào là Cần”, ký bút danh Lê Quyết Thắng, đăng trên báo Cứu Quốc số 1255, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời dạy như sau:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người”.
Bác Hồ đã đúc kết đức: Cần, kiệm, liêm, chính là những phẩm chất cần phải có của mỗi con người, giống như quy luật tất yếu của tự nhiên. Mỗi người, nhất là những người có vị trí ảnh hưởng tới xã hội, đối với cộng đồng phải luôn phấn đấu, rèn luyện và thực hành theo bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính; thiếu một đức tính cũng không thành người.
Sự kiện quốc tế
- Vônte Phrăngxoa Mari aruee (Voltaire Francois Marie Arouet) văn sĩ, thi sĩ, kịch sĩ, sử gia, triết gia, và đại biểu xuất sắc của triết học thời kỳ Ánh sáng Pháp. Ông sinh ngày 22/11/1694 ở Pari. Ông tốt nghiệp đại học luật và làm việc ở toà án, sau chuyển sang viết văn. Ông sáng tác nhiều thơ ca, truyện ngắn, sử thi, khảo luận lịch sử và triết học. Nǎm 22 tuổi vì sáng tác những bài thơ châm biếm, ông bị bắt giam và trục xuất khỏi nước Pháp. Khi về nước Vônte đã cho xuất bản tập "Những bức thư triết học" nổi tiếng. Cuốn sách đả kích sự chuyên quyền của giáo hội, chính sách ngu dân và những tục lệ phong kiến lạc hậu. Vônte đã có một vai trò to lớn trong việc truyền bá tư tưởng ánh sáng và có ảnh hưởng Cách mạng mạnh mẽ đối với những phần tử tư sản tiên tiến trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến. Vônte mất ngày 30/5/1778.
- Ghêoocghi Valentinovich Plêkhanôp, nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào công nhân Nga và quốc tế, là người đầu tiên tuyên truyền chủ nghĩa Mác vào nước Nga. Ông sinh ngày 11/12/1856. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông vào học trường sĩ quan lục quân Pêtecxbua, sau đó học ở Học viện Mỏ. Ông gia nhập tổ chức "Dân tuý", từng về nông thôn hoạt động Cách mạng bị Chính phủ Nga hoàng truy bức, phải trốn ra nước ngoài. Ở nước ngoài ông có điều kiện tiếp xúc với chủ nghĩa Mác và trở thành người Macxit đầu tiên của nước Nga. Nǎm 1883 ông thành lập nhóm Macxit - nhóm "Giải phóng lao động" - để phổ biến chủ nghĩa Mác. Ông còn dịch nhiều tác phẩm của Mác, Ǎngghen ra tiếng Nga và viết nhiều tác phẩm lý luận về chủ nghĩa Mác có giá trị. Plêkhanôp từng thay mặt những người phát xít Nga tham gia đại hội thành lập Quốc tế II ở Pari. Ông đứng trên lập trường Macxit, phê phán chủ nghĩa xét lại và trào lưu cơ hội chủ nghĩa khác trong phong trào công nhân quốc tế. Ông không coi trọng đúng mức vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng. Sai lầm đó là nguồn gốc đưa ông tới quan điểm Mensơvích về sau này. Ông mất ngày 30/5/1918.
- Ngày 30/5/1922, truyện ngắn đầu tiên viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc có nhan đề “Paris” được đăng trên tờ “L’Humanité (Nhân Đạo) kéo dài 2 số. Cùng trong ngày, Nguyễn Ái Quốc còn dự cuộc mít tinh của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức để phản đối chiến tranh./.