Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 30/3

Thứ Bảy, 30/03/2024 09:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 30/3/1972, mở màn “Chiến dịch Xuân - Hè 1972”. Đây là cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta trên toàn miền Nam, trong đó mặt trận Trị - Thiên là hướng tấn công chính. Thắng lợi của Chiến dịch Xuân - Hè 1972 có ý nghĩa chiến lược quan trọng, dập tan hệ thống kìm kẹp, đạp nát tuyến phòng thủ mạnh nhất quân sự của Mỹ nguỵ ở miền Nam, làm thay đổi cục diện trên chiến trường Trị - Thiên, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 30/3/1938: Vua Bảo Đại ra đạo dụ tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Ngãi nhập vào tỉnh Thừa Thiên. Đạo dụ ghi rõ: Các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời.

- Tối 30/3/1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thǎm và nói chuyện với lớp bình dân học vụ khu lao động Lương Yên, Hà Nội. Học viên ở đây là những người từ 16 tuổi trở lên chưa biết chữ, có cả cụ già và các chị có con mọn. Người dừng lại trong mỗi lớp rất lâu, xem xét cách giảng dạy của thầy giáo, hỏi thăm tình hình học tập, công việc làm ăn, đời sống của người đi học. Nói chuyện với bà con, Người rất vui mừng khi thấy khu lao động thoáng mát, sạch sẽ, có câu lạc bộ, sân vận động, máy phóng thanh. Bác khen ngợi những cố gắng của cả người dạy và người học. Người nói: "Đảng và Chính phủ rất mong muốn đời sống của nhân dân, công nhân, công chức và bộ đội ngày càng khá hơn. Đời sống ví như chiếc thuyền. Sản xuất ví như nước. Mực nước lên cao thì con thuyền nổi lên cao". 

 Bộ đội ta tấn công vào Quảng Trị (ảnh tư liệu) năm 1972. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

- Ngày 30/3/1972: Mở màn “Chiến dịch Xuân - Hè 1972”. Đây là cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta trên toàn miền Nam, trong đó mặt trận Trị - Thiên là hướng tấn công chính. Đúng 11 giờ 30 phút, lệnh tấn công được phát ra. Trận đánh mở màn là trận phục kích phía Nam khu vực điểm cao 322, 288, 166, cầu Thiện Xuân của tiểu đoàn 3 (trung đoàn 27). Bí mật, bất ngờ, cả mặt trận lao vào chiến dịch. Các cụm pháo của ta từ nhiều hướng ở Vĩnh Linh, ở trận địa miền Tây… bắn mãnh liệt vào các cứ điểm 54, Đồi Tròn, Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn, Quán Ngang, Nhĩ Trung, Dốc Miếu, Cồn Tiên... khiến toàn bộ hệ thống vòng ngoài của địch ở cửa ngõ phía Bắc bị xé toang, vành đai thép, “con mắt thần điện tử” Mắc Namara bị đập tan tành. Các cứ điểm Ba Hồ, Động Toàn, cao điểm 365, 544, 241... ở phía Tây và các cứ điểm Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, miếu Bái Sơn ở phía Bắc cùng một lúc bị san bằng nhanh chóng.

Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã phá vỡ tuyến phòng thủ Đường 9, giải phóng hoàn toàn 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ. Đến cuối tháng 4, quân ta buộc địch phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Tháng 6/1972, địch mở cuộc phản công quy mô lớn nhằm chiếm lại thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến đấu quyết liệt giữa quân ta và quân địch diễn ra tại Thành Cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm. Sau khi gây sức ép nặng nề và tiêu diệt được nhiều lực lượng địch, quân ta dần rút lui, kết thúc chiến dịch ngày 31/1/1973.

Thắng lợi chiến dịch Xuân - Hè 1972 có ý nghĩa chiến lược quan trọng, dập tan hệ thống kìm kẹp, đạp nát tuyến phòng thủ mạnh nhất quân sự của Mỹ nguỵ ở miền Nam, làm thay đổi cục diện trên chiến trường Trị - Thiên, thế ta càng thắng, lực ta càng mạnh, dồn địch vào thế khó khăn, lúng túng và suy yếu; tạo khí thế, quyết tâm để quân và dân ta thực hiện lời dạy của Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

- Ngày 30/3/1973: Việt Nam và Malaysia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một bước khởi đầu quan trọng trong quan hệ hai nước. Dựa trên sự tương đồng về văn hóa, lịch sử và nền tảng hợp tác chính trị - ngoại giao vững chắc, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2015. Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia không ngừng phát triển sâu rộng, đạt được các kết quả thực chất trong nhiều lĩnh vực. Trao đổi và tiếp xúc cấp cao, các cơ chế hợp tác giữa hai nước được duy trì linh hoạt và hiệu quả. Theo đó, tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường. Các lĩnh vực hợp tác giáo dục, văn hóa - du lịch, khoa học - kỹ thuật và giao lưu nhân dân cũng được đẩy mạnh. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vừa là trụ cột, vừa là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước; đóng góp hiệu quả vào những thành tựu chung của hai nước, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Malaysia góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi giúp doanh nghiệp hai nước mở rộng và tăng cường hợp tác, đầu tư. Trên nền tảng vững chắc đã được xây dựng trong 51 năm qua, với ưu thế và tiềm năng của mỗi nước và với quyết tâm cao của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và vững mạnh, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

 Cán bộ, nghiên cứu viên của Viện Thiết kế tàu quân sự trao đổi phương án thiết kế các gam tàu. (Ảnh: tapchi.vdi.org.vn)

- Ngày 30/3/2009: Viện Thiết kế tàu quân sự (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) được thành lập, là cơ sở nghiên cứu, thiết kế đầu ngành trong lĩnh vực đóng tàu quân sự. Viện có nhiệm vụ thiết kế đóng mới và cải hoán các loại tàu quân sự và dân sự; nghiên cứu thiết kế, tích hợp hệ thống vũ khí, khí tài trên tàu; nghiên cứu, tư vấn định hướng, quy hoạch phát triển ngành đóng tàu quân sự; tư vấn và thẩm định các dự án đầu tư đóng mới, sửa chữa tàu và đầu tư tăng năng lực các nhà máy đóng tàu quân sự; xây dựng và trình ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc ngành đóng tàu quân sự; hỗ trợ, tư vấn, đảm bảo kỹ thuật công nghệ cho các nhà máy đóng tàu quân sự; giám sát thiết kế, giám sát thi công trong quá trình triển khai đóng và sửa chữa tàu… Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Viện Thiết kế tàu quân sự đã đạt được những thành tích nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế, tư vấn và bảo đảm kỹ thuật, công nghệ cho các tàu quân sự và kinh tế, xứng đáng là cơ quan nghiên cứu thiết kế tàu và phương tiện nổi hàng đầu trong quân đội. Viện Thiết kế tàu quân sự đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2018, 2019), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen (năm 2014, 2016) và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tặng Cờ thi đua (năm 2017). Trong những năm tới, Viện xác định quyết tâm mở rộng thị trường trong và ngoài quân đội về lĩnh vực thiết kế tàu, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thiết kế, mục tiêu sẽ làm chủ thiết kế các tàu tuần tra cao tốc, tàu bổ trợ quân sự hiện đại, tiến tới phối hợp triển khai nghiên cứu thiết kế, tích hợp vũ khí - khí tài cho các tàu chiến phù hợp với nhu cầu trang bị của quân đội.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 30/3/2007: 80 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và Ủy ban châu Âu đã ký Công ước quốc tế bảo vệ quyền của người khuyết tật. Đây là con số kỷ lục về số nước tham gia ký kết ngay trong ngày đầu tiên của Lễ ký. Công ước quốc tế về các quyền của người khuyết tật là một văn kiện nhân quyền quốc tế do Liên hợp quốc soạn nhằm mục đích bảo vệ các quyền và nhân phẩm của người khuyết tật. Các quốc gia tham gia Công ước phải đảm bảo quyền được thụ hưởng bình đẳng mọi dịch vụ công cộng của người khuyết tật. Mục đích của Công ước là thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng một cách bình đẳng và đầy đủ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người, và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ. Người khuyết tật bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác.

Việt Nam ký Công ước tháng 10/2007 và phê chuẩn tháng 11/2014.

 Ảnh minh họa (Nguồn: healthplus.vn)

- Ngày 30/3/1909: Mỹ khánh thành cầu Queenboro (nay là cầu Ed Koch). Cầu Queenboro bắc ngang sông Đông, nối liền hai quận Manhattan và Queens của thành phố New York. Với chi phí 20 triệu USD, Queenboro đã trở thành cây cầu lớn nhất Bắc Mỹ thời bấy giờ. Cầu có tổng chiều dài 2.270m, rộng 30m, phần cầu chính dài 1.135m, với 4 trụ cầu. Trên 4 trụ có xây tháp nhằm đỡ lực cho toàn bộ phần cầu chính. Điểm đặc biệt của cây cầu này là nó có 2 tầng lưu thông. Tháng 12/2010, Hội đồng thành phố New York đã quyết định đặt tên mới cho cầu là Ed Koch. Tuy nhiên, cái tên Queenboro đã đi sâu vào ký ức của mỗi người dân. Cây cầu không chỉ là biểu tượng cho sự phát triển của thành phố New York mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhạc sĩ, đạo diễn phim của Hollywood./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN