Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 29/10

Thứ Ba, 29/10/2024 08:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 29/10/1940, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu qua đời. Không chỉ là một nhà cách mạng, Phan Bội Châu còn là người giỏi thơ văn, tác giả nhiều tác phẩm văn học yêu nước, cách mạng, đóng góp phong phú cho nền văn hóa Việt Nam như: “Việt Nam vong quốc sử”, “Hải ngoại huyết thư”, “Việt Nam quốc sử khảo”, “Nam quốc dân tu tri”... cùng một loạt các tiểu truyện viết về các chiến sĩ cách mạng.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 29/10/1915, ngày sinh của nhà văn Trần Hữu Trí, bút danh Nam Cao. Sinh ra ở xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực phê phán Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ XX. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông dạy học rồi sáng tác văn học, nổi tiếng với các truyện ngắn, tiểu thuyết xã hội. Năm 1943 ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc. Năm 1946 ông nhập đoàn quân Nam tiến vào miền Nam Trung Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác tuyên truyền, báo chí và văn nghệ ở Việt Bắc. Ông nổi tiếng với các tác phẩm: “Đôi lứa xứng đôi ” (tức truyện “Chí Phèo” - 1941); “Sống mòn ”, “Truyện Biên giới”, “Đôi mắt ”, “Truyện ngắn Nam Cao ”…

- Ngày 29/10/1940, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu qua đời. Ông tên thật là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26/12/1867 tại làng Đan Nhiễm, Nam Đàn, Nghệ An. Năm 1900, ông đỗ giải nguyên, nhiệt tình yêu nước, thành lập đội “Tử sĩ Cần Vương”. Năm 1904, ông vận động lập Hội Duy Tân, sau đó cùng với Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc, thành lập “Hội Việt Nam Quang phục” và “Hội Chấn Hoa Hưng Á”. Năm 1922, ông cải tổ Việt Nam Quang Phục thành Đảng Việt Nam Quốc dân. Năm 1925, ông bị Pháp bắt tại Thượng Hải, giải về nước. Nhân dân toàn quốc đòi ân xá cho ông. Toàn quyền Đông Dương buộc phải ân xá ông nhưng bắt ông an trí tại Huế. Không chỉ là một nhà cách mạng, Phan Bội Châu còn là người giỏi thơ văn, tác giả nhiều tác phẩm văn học yêu nước, cách mạng, đóng góp phong phú cho nền văn hóa Việt Nam như: “Việt Nam vong quốc sử”, “Hải ngoại huyết thư”, “Việt Nam quốc sử khảo”, “Nam quốc dân tu tri”... cùng một loạt các tiểu truyện viết về các chiến sĩ cách mạng. Ngày 29/10/1940, ông mất tại lều tranh Bến Ngự - Huế, thọ 73 tuổi.

Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867 - 1940) 

- Ngày 29/10/1959, trong cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về chương trình và phương thức tiến hành chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, Bác nêu ý kiến phải tạo điều kiện cho chi bộ thảo luận vì “nếu không thảo luận thì không lợi về dân chủ, ta chỉ vì thời gian hạn chế mà không để chi bộ thảo luận ý kiến ở dưới không góp cho đề án, không lợi...”.

- Ngày 29/10/1961, nói chuyện với sinh viên và cán bộ Việt Nam đang học tập và công tác tại Moscow, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Đại hội lần thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô là một đại hội có ý nghĩa to lớn không những đối với Liên Xô mà còn đối với các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân lao động thế giới. Người nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa. Đạo đức xã hội chủ nghĩa không phải ở đâu cũng biểu hiện giống nhau. Ở nước ta, đạo đức xã hội chủ nghĩa là cần kiệm xây dựng nước nhà. Mọi người thi đua học tập theo cách xã hội chủ nghĩa, lao động theo xã hội chủ nghĩa, có đạo đức xã hội chủ nghĩa. Các cô, các chú, các cháu ở đây thì thi đua học tập để về nước phục vụ việc xây dựng nước nhà”.

- Ngày 29/10/1966, trong diễn văn đọc tại buổi tiếp chính thức Đoàn đại biểu Cuba do Tổng thống Ôxvanđô Đoócticốt (Osvaldo Dorticós) dẫn đầu sang thăm nước ta, Bác nói: “Từ Mỹ la tinh xa xôi, các đồng chí mang đến cho nhân dân Việt Nam chúng tôi mối tình đoàn kết chiến đấu rất thắm thiết của nhân dân Cuba và nhân dân Mỹ la tinh anh em... Việt Nam và Cuba cách xa nhau hàng vạn dặm, nhưng lòng nhân dân hai nước chúng ta thì rất gần gũi nhau như anh em một nhà. Chúng tôi mong các đồng chí coi ở Việt Nam cũng như ở Cuba vậy”.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 29/10/1863, kết thúc cuộc họp giữa đại biểu từ 16 quốc gia tại Geneva, Thụy Sĩ. Tại cuộc họp, các đại biểu đã thống nhất và thông qua các nghị quyết về việc thành lập Ủy ban Geneva (Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế).

- Ngày 29/10/1929, Sở giao dịch chứng khoán New York sụp đổ và trở thành ngày “Thứ Ba Đen Tối” khiến nước Mỹ rơi vào vòng xoáy của cuộc Đại khủng hoảng.

- Ngày 29/10/1933, dấu hiệu đèn giao thông cho xe cộ đã được gắn ở các trục lộ giao thông tại Thủ đô Đan Mạch: Những dấu hiệu đó là: Màu đỏ: dừng lại; Màu vàng: cẩn thận; và Màu xanh: được phép qua lại./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN