Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 28/3

Thứ Năm, 28/03/2024 08:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 28/3/1935, Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương ra “Nghị quyết về đội tự vệ” và đây được coi là ngày truyền thống của lực lượng Dân quân tự vệ.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 28/3/1912: Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ra trong gia đình nho học, tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tiếp nối truyền thống yêu nước của quê hương, dân tộc, ngay từ khi còn trẻ tuổi, đồng chí Lê Văn Lương đã giác ngộ cách mạng và tham gia các hoạt động yêu nước. Là người cộng sản kiên trung thuộc thế hệ lớp đầu của Đảng, Lê Văn Lương đã có nhiều công lao to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cuộc đời ông là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về khí tiết của người cộng sản: trung thành, tận tụy, cần kiệm, liêm chính, khiêm tốn, giản dị và trung thực. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương cao quý khác. Ông mất ngày 25/4/1995. 

- Ngày 28/3/1935: Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương ra “Nghị quyết về đội tự vệ” và đây được coi là ngày truyền thống của lực lượng Dân quân tự vệ. Lịch sử phát triển của dân quân tự vệ đã gắn liền với sự nghiệp giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1935 - 1945, các đội tự vệ ở cả nông thôn và thành thị ra đời, làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện khởi nghĩa vũ trang, tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa. Tháng 8/1945, lực lượng dân quân tự vệ đã cùng toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành độc lập. Sau ngày 2/9/1945, dân quân tự vệ trở thành lực lượng vũ trang của Nhà nước Việt Nam độc lập, một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân, được tổ chức rộng khắp ở các làng, xã, đường phố trong cả nước, thực sự là công cụ bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ thành quả cách mạng. Ngày nay, lực lượng dân quân tự vệ được phát triển cả về chất lượng, số lượng, biên chế trang bị. Tổ chức, biên chế tinh gọn hơn nhưng chất lượng tổng hợp của dân quân tự vệ được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới.

 Nâng cao chất lượng huấn luyện của lực lượng dân quân xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: qdnd.vn)

Trải qua gần 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ luôn trung thành với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng của Đảng; chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm; lao động, học tập, công tác hiệu quả, sáng tạo, lập nhiều chiến công to lớn; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều tổ chức, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

- Ngày 28 - 29/3/1988, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Nông dân Việt Nam tại Hà Nội, với sự tham dự của 613 đại biểu. Đại hội đã đánh dấu cột mốc quan trọng, một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử trong sự phát triển của phong trào nông dân. Nghị quyết của Đại hội khẳng định: Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp nông dân, đoàn kết chặt chẽ với các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết tâm tiến theo con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.

 Chân dung đại văn hào Nga Macxim Gorki. (Ảnh tư liệu)

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 28/3/1868: Ngày sinh của đại văn hào Nga Macxim Gorki - người mở đầu trào lưu văn hóa xã hội lỗi lạc, Chủ tịch đầu tiên của hội Nhà văn Liên Xô. Sáng tác của Macxim Gorki gồm nhiều thể loại, nổi tiếng nhất là Tự thuật 3 tập: "Thời thơ ấu", "Kiếm sống" và "Những trường đại học của tôi". Nét đặc biệt xuyên suốt sáng tác của ông là mô tả con người với tấm lòng đầy nhân ái và trân trọng kêu gọi con người hãy có hành động cao thượng, xứng đáng. Macxim Gorki đã kết hợp được truyền thống phân tích xã hội một cách nghiêm ngặt của vǎn học hiện thực phương Tây thế kỷ XIX với chủ nghĩa lãng mạn mới để sáng lập ra trào lưu văn học xã hội chủ nghĩa - một trào lưu vǎn học lớn nhất và đặc trưng cho thế kỷ XX.

- Ngày 28/3/1967: Tổng Thư ký Liên hiệp quốc U Thant đề xuất một thỏa ước ngừng bắn toàn diện tại Việt Nam sau các cuộc hội đàm hoà bình./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN