Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 26/1

Thứ Sáu, 26/01/2024 08:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 26/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quốc lệnh ban hành 10 điều thưởng và 10 điều phạt. Đây là văn bản đầu tiên về khen thưởng, xử phạt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự kiện trong nước

- Ngày 26/1/1924: Nguyễn Ái Quốc tham dự phiên họp đặc biệt của Đại hội Xô viết Toàn Nga lần thứ 11 để làm lễ truy điệu V.I.Lênin tại Nhà hát lớn Matxcơva. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc được nghe những nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô như Kalinin và Xtalin đọc lời điếu và lời tuyên thệ vĩnh biệt V.I.Lênin.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (năm 1951). Ảnh: Hochiminh.vn.

- Ngày 26/1/1941: Kết thúc lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách trước khi về nước lãnh đạo cách mạng. Lớp tập huấn được tổ chức tại làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc). Cộng sự của Người có các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Chương trình huấn luyện gồm ba phần chính, bao gồm: Tình hình thế giới và trong nước; Tổ chức đoàn thể quần chúng; Cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng. Điểm độc đáo của phương pháp huấn luyện của Người tại lớp học là sự kết hợp rất chặt giữa lý luận và thực tiễn, học và hành. Kết thúc lớp huấn luyện, các cán bộ trở về Việt Nam, là lực lượng  nòng cốt tuyên truyền, giác ngộ, gây dựng phong trào cứu quốc.

- Ngày 26/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quốc lệnh ban hành 10 điều thưởng và 10 điều phạt. Quan điểm cơ bản của văn kiện này được nêu rõ: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”. Quốc lệnh quy định 10 trường hợp thưởng (như nhà có 3 người tòng quân; vì nước hy sinh; làm việc công một cách trong sạch ngay thẳng; làm việc có lợi cho nước nhà, dân tộc; cứu được người bị nạn…) và 10 trường hợp phạt đến mức xử tử (như thông đồng với giặc, phản quốc, trái quân lệnh, phá hoại giao thông, huỷ hoại quân khí…). Quốc lệnh 10 điều thưởng và 10 điều phạt do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành là văn bản đầu tiên về khen thưởng, xử phạt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tư tưởng về thi đua, khen thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động thi đua, khen thưởng của Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Ngày 26/1/1961: Trong bài nói chuyện tại Hội nghị Công nghiệp toàn miền Bắc ngày 26/1/1961, đăng trên Báo Nhân dân, số 2505, ngày 27/1/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Để thực hiện từng bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nhằm đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cán bộ và công nhân ngành công nghiệp phải có quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1961, làm đà cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực sáng tạo, ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch công nghiệp hóa đã đề ra. Người còn chỉ ra cho cán bộ dự hội nghị những biện pháp cách mạng cụ thể, nhất là tăng cường giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm, giữ gìn kỷ luật trong công việc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân.

- Ngày 26/1/1981, Nhà nước ta trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động và Huân chương Hồ Chí Minh cho trung tá Lêônnít Pôpốp, nhà du hành vũ trụ, chỉ huy trên tổ hợp Chào mừng 6 - Liên hợp 36 và kỹ sư Aborariumin, Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô vì đã có cống hiến xuất sắc vào công việc chinh phục vũ trụ, góp phần thực hiện thành công chuyến bay vũ trụ Xô - Việt trên tổ hợp quỹ đạo nghiên cứu vũ trụ khoa học Chào mừng 6 - Liên hợp 36 - Liên hợp 37, và đã thể hiện tinh thần dũng cảm, khí phách anh hùng trong chuyến bay.

Sự kiện quốc tế

 Binh sĩ Ấn Độ diễu hành tại Thủ đô New Delhi nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ, ngày 26/1/2022. Ảnh: TTXVN

- Ngày 26/1/1950: Được kỷ niệm là Ngày Cộng hòa của Ấn Độ - là một ngày lễ rất phổ biến của đất nước Ấn Độ. Ngày Cộng hòa nhằm tôn vinh ngày mà Quốc hội Ấn Độ thông qua Hiến pháp đặc biệt được xây dựng dành cho quốc gia. Vào ngày 26 tháng 1 năm 1950, Hiến pháp mới được soạn thảo của Ấn Độ đã được thực thi thay thế cho Đạo luật Chính phủ Ấn Độ năm 1935. Kể từ đó, ngày này được tổ chức kỷ niệm hàng năm với như một sự kiện quốc gia với một kỳ nghỉ lễ chung ở tất cả các bang của đất nước. Vào ngày này hàng năm, Ấn Độ tổ chức cuộc diễu hành nhằm thể hiện sức mạnh quân sự, công nghệ cũng như tính đa dạng văn hóa của nước này.

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN